Dưới đây là nội dung bài viết:
Không quân Mỹ và những sản phẩm "để đời" B-2, F-35
Không quân Mỹ thường không dự đoán chuẩn xác mức chi phí cần cho các máy bay ném bom tàng hình của họ, cũng như tỏ ra không hoàn toàn đáng tin cậy trong việc chế tạo chúng.
VD như với máy bay ném bom tàng hình B-2, chi phí dự kiến ban đầu vào năm 1986 là 441 triệu USD mỗi máy bay.
Tới năm 1992, chi phí tăng lên 2,2 tỷ USD/chiếc. Và thậm chí với mức giá sang chảnh đó, Không quân Mỹ vẫn không nhận được 132 máy bay theo kế hoạch của họ.
Hiện tại, họ chỉ có 20 chiếc B-2.
Tổng chi phí (dự kiến, hiện tại) của chương trình B-2 vẫn không sánh được với con số 400 tỷ USD “ném qua cửa sổ” (tính tới nay) của dự án F-35 – chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, B-2 lại “đánh bay” tất cả các máy bay quân sự khác ở mức chi phí cho mỗi giờ bay.
Song, Không quân Mỹ tuyên bố rằng lần này sẽ khác. Họ đang phát triển một mẫu máy bay ném bom thế hệ mới với mức chi phí 550 triệu USD/chiếc, chỉ bằng một phần chi phí của B-2.
Như vậy, họ chỉ mất 55 tỷ USD để có được 100 máy bay.
Tuy nhiên, những ai đã quen với các thể loại vũ khí “công nghệ cao”, “đa năng” (như F-35) của Không quân Mỹ sẽ tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này.
Máy bay ném bom mới có thiết thực?
Không có nhiều thông tin về những mẫu thiết kế được đề xuất cho chương trình máy bay ném bom – tấn công tầm xa (LRS-B) tối mật.
Hiện tại, mới chỉ biết mẫu máy bay mới sẽ vẫn ưu tiên khả năng tàng hình, ngay cả khi công nghệ phát hiện mục tiêu đã đạt được những bước tiến đáng kể để đối phó với những biện pháp bảo vệ như vậy.
Đó là những gì mà Thiếu tướng Paul Johnson tiết lộ với tờ Bloomberg.
“Đối thủ của chúng tôi đã nhận ra lợi thế mà “tàng hình” mang lại”, ông Johnson nói, “chúng tôi đang nỗ lực duy trì lợi thế đó và chúng tôi sẽ thành công”.
Lớp phủ đặc biệt của máy bay ném bom B-2 giúp nó trở nên khó bị phát hiện (dù theo thời gian, việc này đang trở nên dễ dàng hơn đối với các đối thủ của Mỹ) nhưng cũng khiến nó không thể hoạt động trong trời mưa.
Lầu Năm Góc đã dành 1,2 tỷ USD trong ngân sách năm tài khóa 2016 cho chương trình LRS-B. Trước đó, ngân sách dành cho chương trình này trong năm tài khóa 2015 là 914 triệu USD.
Lầu Năm Góc cam kết sẽ tiêu 15,1 tỷ USD vào chương trình phát triển LRS-B cho đến hết năm 2020, với thời hạn đưa máy bay vào hoạt động theo kế hoạch là năm 2025.
Mặc dù vẫn còn một số lo ngại xung quanh những lời hứa về chi phí hợp lý này nhưng trên thực tế, chương trình LRS-B đã thay thế được chương trình máy bay ném bom thế hệ mới (NGB).
Năm 2011, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates đã chấm dứt chương trình NGB vì chi phí quá cao.
LRS-B dự kiến sẽ tiết kiệm được các chi phí nghiên cứu và phát triển nhờ dựa trên các công nghệ sẵn có và có thể sẽ có kích cỡ nhỏ hơn các máy bay ném bom thế hệ trước.
Theo Defense News, có vẻ Không quân Mỹ muốn “một máy bay nhỏ hơn B-2, có thể chỉ bằng nửa kích cỡ của B-2, với 2 động cơ có kích cỡ tương tự như các động cơ F135 trang bị cho F-35.
Như thế, các chương trình nâng cao cũng có thể được áp dụng cho máy bay ném bom”.
Cuộc cạnh tranh giành quyền chế tạo LRS-B đã bắt đầu giữa tập đoàn Northrop Grumman (hãng chế tạo B-2) và liên danh Boeing/Lockheed Martin.
Có thể thấy, Northrop Grumman rõ ràng không hề nhụt chí vì “thành tích” sản xuất dở dang và chi phí đắt đỏ của họ với chương trình máy bay ném bom B-2.
Bên cạnh đó, vẫn có những băn khoăn về tính thiết thực của loại máy bay ném bom này, khi mà xu hướng sử dụng máy bay không người lái đang trở nên ngày càng phổ biến.
Mới đây, Hải quân Mỹ đã quyết định rằng họ sẽ không biên chế thêm bất cứ mẫu máy bay có người lái nào khác một khi tiếp nhận F-35 (tất nhiên là nếu việc này thành hiện thực).