Newsweek dẫn nguồn từ cơ quan báo chí của Hạm đội Phương Bắc cho biết, lực lượng tàu ngầm Nga tham gia cuộc tập trận đều là những chiếc hiện đại về kỹ thuật, có khả năng mang tên lửa đạn đạo và hoạt động như một thế lực đánh chặn hạt nhân.
Ngoài tàu ngầm thế hệ mới lớp Borei, các tàu ngầm hạt nhân lớp Akula, Delta IV cũng tham gia vào cuộc tập trận lần này. Đại úy Vadim Serga - phát ngôn viên của Hạm đội Phương Bắc cho biết:
“Chúng tôi đặc biệt chú trọng phát hiện các nỗi đe dọa cùng những mối nguy, nhưng cũng chú trọng khả năng hoạt động, phóng tên lửa, thăm dò băng đá, lặn và trồi khỏi băng đá, sử dụng thủy lôi để phá băng đá cùng nhiều vấn đề khác”.
Dù Phó đô đốc Anatoly Shevchenko chỉ huy cuộc tập trận cho rằng, mục đích cuộc tập trận chỉ là giúp các đơn vị học tập những chuyến hải trình dưới Bắc cực trước đó, cũng như nghiên cứu cách vận hành vũ khí và để các thủy thủ trẻ hơn nắm vững phương án tác chiến tại Bắc cực.
Tuy nhiên, theo tờ Businessinsider, thời điểm tàu ngầm hạt nhân Nga tập trận quy mô lớn được cho là để phản ứng với việc NATO ngày 5/2 quyết định củng cố vị trí quân sự ở sườn Đông, giáp biên giới Nga.
Chính vì vậy, Hải quân Nga mới huy động số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân lớn như vậy vào cuộc tập trận, Businessinsider nhận định.
Hạm đội Phương Bắc là một đơn vị của Hải quân Nga hoạt động tại các vùng biển Barent và Na Uy, Bắc Cực, Đại Tây Dương, chịu trách nhiệm phòng thủ cho nước Nga ở phía Tây Bắc.
Tiền thân của hạm đội Phương Bắc là Hạm đội Sao Đỏ Phương Bắc của Hải quân Liên Xô được thành lập từ năm 1993.
Hạm đội có đại bản doanh tại Severomorsk. Căn cứ chính và các trung tâm điều hành đóng trong vịnh Kola. Hạm đội Phương Bắc nổi tiếng với những phương tiện hạt nhân.
Khoảng 2 phần 3 lực lượng hạt nhân của Hải quân Nga trong biên chế của hạm đội này.
Ngoài tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, Akula, Delta IV, Hạm đội Phương Bắc còn có trong biên chế số lượng lớn tàu ngầm thông thường lớp Kilo, Amur, Lada và Tango.
Cuộc tập trận đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon lo ngại về cách Nga “hạ thấp ngưỡng” sử dụng vũ khí hạt nhân (VKHN):
Học thuyết quân sự mới của Nga cho phép sử dụng VKHN để đối phó một cuộc tấn công theo chiến tranh quy ước vốn đe dọa sự tồn vong của Nga.
Hãng tin Reuters hôm 6/2 dẫn lời ông Fallon cho biết:
“Có 3 tầng quan ngại. Thứ nhất là Nga có thể hạ thấp ngưỡng sử dụng VKHN.
Thứ nhì là xem ra họ tăng cường hạt nhân cho lực lượng chiến tranh quy ước theo một cách đe dọa và thứ ba, vào lúc lâm khó khăn tài chính, Nga vẫn chi mạnh tay để hiện đại hóa lực lượng hạt nhân”.
Ngày 26/12/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt học thuyết quân sự mới, nhấn mạnh 3 vị trí quan trọng chiến lược là bán đảo Crimea, vùng Kalingrad và Bắc cực.
Học thuyết này xem NATO là nỗi đe dọa nghiêm trọng của Nga, kêu gọi quân sự hóa và hiện đại hóa lực lượng quân Nga đóng tại 3 vị trí trên.