Nga khôi phục tàu hỏa tên lửa hạt nhân, đề phòng vũ khí siêu thanh của Mỹ

Mai Hà |

Tàu hỏa tên lửa hạt nhân từng được Liên Xô triển khai. Nay Lực lượng tên lửa chiến lược Nga xem xét khả năng khôi phục ý tưởng này. Khi Moscow chi tiền để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân cũ kỹ và Nga cần đề phòng vũ khí siêu thanh của Mỹ.

Hãng tin TASS ngày 27.11 dẫn một nguồn tin không thể xác minh trong tổ hợp công nghệ - quân sự Nga, rằng Viện Công nghệ nhiệt Moscow đang thiết kế một đoàn tàu hỏa dùng làm bệ phóng tên lửa, và cũng để bảo vệ số tên lửa trước nguy cơ nước Nga bị tấn công.

Nguồn tin này nói: “Dù chưa có quyết định bắt đầu sản xuất tàu hỏa tên lửa hạt nhân, nhưng nhiều khả năng sẽ có quyết định này”, và giải thích việc dự toán kinh phí và nghiên cứu kỹ thuật vẫn đang được tiến hành.

Nguồn tin nói: “Trong kịch bản tốt nhất, Nga sẽ triển khai đoàn tàu này từ cuối thập niên này, có lẽ vào năm 2019”.

Lực lượng hạt nhân Nga là quan tâm số 1, trong khoản chi tái trang bị vũ trang 20 ngàn tỷ rúp (500 tỷ USD) và chính quyền hứa sẽ hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân quốc gia bằng những tên lửa mới, sẵn sàng đáp trả những đe dọa thời hiện đại.

Liên Xô từng bắt đầu triển khai tàu hỏa tên lửa hạt nhân năm 1987. Đoàn tàu này trang bị tên lửa RT-23 Molodets, nhà máy Yuzhmash (hiện ở Ukraine) thiết kế.

Vào năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, có 56 tên lửa được triển khai trên các đoàn tàu hỏa. Ukraine ngưng sản xuất RT-23 Molodets, và đến năm 2005, Nga tháo rời toàn bộ các phương tiện này.

Hiện có một tàu hỏa tên lửa hạt nhân được trưng bày tại Bảo tàng công nghệ đường sắt St Petersburg, còn gắn cả mẫu tên lửa RT-23 Molodets (NATO gọi là “Dao mổ” SS-24).

Mỗi chiếc “Dao mổ” này có 10 đầu đạn hạt nhân. “Dao mổ” có tầm bắn 10.100 km, dài 23 m và đường kính 2,4 m.

Đoàn tàu tên lửa hạt nhân

Dàn toa dùng để phóng tên lửa gồm 3 toa sau:

- Toa kiểm soát dài 23, 6 m, rộng 3,2 m, cao 5 m. Toa này để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở các cấp xe chiến đấu khi triển khai phóng tên lửa.

- Toa phóng dài 23,6 m, rộng 3,2 m, cao 5 m. Nóc toa được mở bằng một bơm thủy lực lớn.

- Toa động cơ dài 23,6 m, rộng 3,2 m, cao 5 m, chứa 4 động cơ diesel, mỗi động cơ có nguồn điện 100 kilowatt dùng cho hoạt động phóng.

Đầu máy diesel của đoàn tàu này nặng 116 tấn, đạt tốc độ tối đa 100 km/giờ.

Khôi phục tàu hỏa tên lửa hạt nhân để để phòng Mỹ

Cuối năm 2013, trung tướng Sergei Karakayev chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, nói chương trình Tấn công toàn cầu lập tức (Prompt Global Strike) của Mỹ buộc Nga phải nghiên cứu tái ứng dụng tàu hỏa tên lửa hạt nhân.

Tướng Karakayev nói dự kiến một “đoàn tàu hạt nhân hiện đại” sẽ được công bố trong quý 1-2014. Ông cũng so sánh sức mạnh của đoàn tàu này ngang bằng số tên lửa của một sư đoàn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM):

“Các sĩ quan tên lửa chúng tôi thất vọng vì ngày nay không thể sở hữu một hệ thống như vậy. Khi Tổng tư lệnh Vladimir Putin hỏi tôi về chuyện này, tôi bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn cho hệ thống tên lửa đặt trên xe lửa”.

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin phụ trách mảng quốc phòng đã gọi Conventional Prompt Global Strike là “chiến lược mới và quan trọng nhất của Mỹ hiện nay”. Ông cảnh cáo nếu Nga trở thành một mục tiêu, thì “chắc chắn chúng tôi sẽ phản ứng bằng vũ khí hạt nhân”.

Gần đây, ông Rogozin cũng nói Nga đã phát triển tên lửa tấn công siêu thanh.

Prompt Global Strike là chương trình tên lửa siêu thanh có thể tấn công nhanh, chính xác vào bất kỳ vị trí nào trên thế giới, chỉ một giờ sau khi nhận lệnh.

Trong tình huống Nga bị chọn là mục tiêu, tàu hỏa tên lửa hạt nhân sẽ có ý nghĩa lớn cho các nhà chiến lược phòng thủ Nga.

"Dao mổ" đặt trên toa xe lửa

Một trong những thành tố chính trong bất kỳ kế hoạch hạt nhân nào là khả năng lực lượng hạt nhân “sống sót” sau đợt tấn công đầu tiên của địch, và phản công với một hỏa lực mang tính tàn phá.

Một đoàn tàu hỏa tên lửa có thể tăng khả năng sống sót cho kho hạt nhân Nga, địch sẽ khó thể xác định được tên lửa của đoàn tàu khi số tên lửa này được nhanh đưa đi khắp Nga.

Theo hãng tin RIA Novosti lúc ấy, Nga từng sở hữu ICBM RS-24 Yars (NATO gọi là “Dao mổ” SS-24) giả là một đoàn tàu hàng chợ bình thường. Với hệ thống đường sắt quá lớn của Nga, việc phát hiện và tiêu diệt hệ thống này là cực kỳ khó khăn.

Trung tướng Karakayev nói: “Chúng tôi thấy tên lửa tương lai sẽ có nhiều đầu đạn hạt nhân, và tên lửa RS-24 Yars là mẫu. Chúng tôi đang sửa để tên lửa nặng 47 tấn. Để so sánh, một tên lửa trên tàu hỏa hạt nhân cũ nặng 110 tấn”.

Trong khung khổ Hiệp định giải trừ vũ khí hạt nhân START-II mà Tổng thống Nga Boris Yeltsin và đồng nhiệm Mỹ George H.W. Bush ký năm 1993, “Dao mổ” đã bị giải giáp và toàn bộ bệ phóng của chúng đã bị tiêu hủy năm 2007.

Tên lửa ICBM Topol đặt trên xe tải

Hiệp định START mới do hai Tổng thống Nga-Mỹ Dmitry Medvedev và Barack Obama ký năm 2011 thì không giới hạn việc sử dụng hệ thống tên lửa đặt trên tàu hỏa, nên năm 2012, Nga đã xem xét phiên bản mới của tàu hỏa tên lửa hạt nhân.

Năm 2013, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Viện Công nghệ nhiệt Moscow sẽ thiết kế đoàn tàu này.

Viện trên cũng là nơi sản xuất tên lửa hạt nhân Yar, Topol và nhất là Bulava phóng trên biển cho tàu ngầm lớp Borey mang tên lửa hạt nhân chiến lược.

Nga hiện sử dụng tên lửa Topol gắn trên xe tải nặng. Đây là loại vũ khí chính của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Mỹ "copy" Nga bằng ý tưởng đoàn tàu tên lửa hạt nhân ngầm

Hồi tháng 2.2013, không quân Mỹ cũng lên kế hoạch làm đoàn tàu tên lửa hạt nhân ngầm để chở ICBM đi khắp Mỹ, theo BBC.

Đoàn tàu ngầm này được gọi là “đoàn tàu tận thế”, chạy trên hệ thống đường hầm xây khắp Mỹ và sẽ tốn hàng tỷ USD đầu tư cho công trình này.

Hệ thống đường hầm này sẽ nối với các căn cứ tên lửa hạt nhân hiện nay của Mỹ, vốn tập trung ở phía tây nước Mỹ.

Kế hoạch này chỉ có thể bắt đầu ít nhất từ năm 2025, là một giải pháp để không quân Mỹ thay thế số ICBM Minuteman III vốn sẽ “về hưu” từ năm 2030.

Còn có một kế hoạch khác là dùng xe tải chở tên lửa hạt nhân chạy khắp Mỹ để số ICBM “sống sót” sau đợt tấn công đầu tiên của địch thù tiềm năng.

Tuy nhiên, phe chỉ trích nói ý tưởng các đoàn xe tên lửa phóng trên bộ này đã lạc hậu, cần bỏ.

Ngoài ra, các chuyên gia nói ý tưởng tên lửa di động từng được đề nghị và thường bị bác: vì một đầu đạn di chuyển trên đường dễ xảy ra tai nạn hơn là một đầu đạn gắn trên tên lửa và được giấu dưới đất.

Các ý tưởng trước đây luôn cho thấy tốn rất nhiều tiền.

Hans Kristensen, giám đốc Dự án thông tin hạt nhân ở Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nói: có thể không quân Mỹ sẽ phải tái nâng cấp Minute III và gia hạn tuổi thọ của chúng thêm 50 năm nữa.

Mỹ đang có 450 chiếc Minuteman III giấu dưới đất ở các căn cứ tại các bang Bắc Daokota, Wyoming, Colorado, Montana.

Ngoài số tên lửa Minuteman III, hải quân Mỹ cũng sở hữu 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân. 113 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 và B-2 cũng trung bị tên lửa hạt nhân và bom hạt nhân.

 

Kiểm tra tên lửa Minuteman III

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại