Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử KRET của Nga, ông Nikolai Kolesvo tiết lộ, KRET sẽ tham gia cung cấp phụ tùng thay thế, sửa chữa và hiện đại hóa một số hệ thống tác chiến điện tử cho Quân đội Việt Nam.
Đồng thời, ông Kolesvo cũng cho biết, KRET đã được Chính phủ Nga giao nhiệm vụ xúc tiến xuất khẩu những hệ thống tác chiến điện tử mới nhất do các công ty con của tập đoàn phát triển. Trong đó bao gồm Rtut, Krasukha-4, Moscow...
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4
Theo ông Kolesvo, tổng giá trị xuất khẩu của KRET thông qua Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport là khoảng 200 - 300 triệu USD mỗi năm. Trong năm 2013, tập đoàn đã thực hiện một hợp đồng khoảng 80 triệu USD cho Algeria và một hợp đồng cung cấp giấy phép cho Ấn Độ trị giá 180 triệu USD.
Năm 2014, KRET sẽ đẩy mạnh quảng cáo các hệ thống tác chiến điện tử xuất khẩu mới nhất ra thị trường quốc tế. Trong đó, tập đoàn này dự kiến sẽ ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài gồm Ấn Độ, Algeria, Việt Nam và Malaysia với tổng trị giá vào khoảng 300 triệu USD. Đối với Việt Nam, các hợp đồng dự định ký kết sẽ tập trung chủ yếu vào việc cung cấp phụ tùng sửa chữa, hiện đại hóa các hệ thống tác chiến điện tử do Nga sản xuất đang có trong trang bị của Quân đội Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí của KRET, sang quý II năm 2014, được sự đồng ý của Chính phủ Nga, tập đoàn này sẽ bắt đầu thực hiện các hoạt động kinh tế đối ngoại một cách độc lập mà không qua khâu trung gian nào (trước đây phải thông qua Rosoboronexport).
Giữa tháng 9/2013, phương tiện truyền thông Nga đưa tin Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử một đoàn chuyên gia quân sự cùng với các quan chức của hãng xuất khẩu vũ khí Rosoboronoexport đến thành phố Veliky Novgorod để thăm một trong những công ty quốc phòng hàng đầu của Nga là NPO Kvant, nằm trong thành phần tập đoàn KRET.
Phía Việt Nam sau đó đã được tìm hiểu các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại và tương lai mà NPO Kvant đang sản xuất, trong đó bao gồm trạm chế áp điện tử tối tân nhất 1L269 Krasukha-2.
Giám đốc nhà máy NPO Kvant, ông Kapralov khi đó nói rằng, các khí tài tác chiến điện tử mới đang được ưu tiên cung cấp cho quân đội Nga, việc bán các khí tài đó ra nước ngoài chỉ có thể sau năm 2018. Tuy nhiên, theo như tuyên bố của Tổng giám đốc KRET Nikolai Kolesov, việc thực hiện theo thứ tự quốc phòng nhà nước (cung cấp các hệ thống tác chiến điện tử theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc Phòng Nga) và các hợp đồng xuất khẩu là 2 lĩnh vực đang được ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Ngoài ra, việc KRET được độc lập thực hiện công tác kinh tế đối ngoại cũng tạo ra những thuận lợi đáng kể để Việt Nam có thể sở hữu những hệ thống tác chiến điện tử tối tân như Rtut, Krasukha-4 hay Moscow sớm hơn năm 2018, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu cho quân đội