Trong một diễn biến mới nhất, Thiếu tá Tim Smith, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung ương Lực lượng Không quân Mỹ, khẳng định:
Washington và liên minh vẫn tiếp tục chiến dịch không kích, sử dụng cả máy bay có người lái và không người lái, ở bất cứ nơi nào nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện diện, kể cả khu vực Tây Bắc Syria.
Quân đội Mỹ đã phải đưa ra tuyên bố trên sau khi có thông tin cho rằng, Lầu Năm Góc phải tạm dừng tất cả các chuyến bay có người lái ở Tây Bắc Syria, sau khi Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf đến thực địa.
Hệ thống phòng không S-400 (S-300PMU2) và Pantsir-S1 đang được Nga triển khai tại Syria
Trước đó, ngay khi Nga bắt đầu đưa S-400 tới Syria sau vụ máy bay ném bom Su-24 bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cũng đã xuất hiện phát ngôn tương tự.
Đó là máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bị hệ thống radar của các tổ hợp phòng không S-300 và S-400 khống chế, khiến chúng không thể cất cánh.
Sau khi thông tin trên được đăng tải, các chuyên gia quân sự hàng đầu đã phân tích về năng lực của các loại radar trang bị cho S-300/400 và cho rằng điều đó là không thực tế, nó được sử dụng nhằm phục vụ mục đích riêng của người đưa tin.
Hơn nữa, theo tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chiều 25/11, Ankara còn phát động một đợt tuần tra biên giới quy mô lớn chưa từng có, gần khu vực giáp với Syria.
Đặc biệt, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng tới 18 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon tham gia hoạt động giám sát.
Tiêm kích F-15I Ra'am của Israel, đối tượng được cho là thực hiện vụ không kích hôm 3/12 ngay gần Damascus
Vụ việc đáng chú ý nhất mới diễn ra vào đêm mùng 3, rạng sáng ngày 4/12 vừa rồi, các máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện một số đợt ném bom ở phía Bắc thủ đô Damascus, ngay trong tầm giám sát của radar S-400 mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Để tiêm kích Israel thoải mái vào ném bom mà không gặp phải tín hiệu cảnh báo mục tiêu đã bị khóa bởi radar điều khiển hỏa lực, cũng như không báo động cho Quân đội Syria biết về vụ xâm nhập trên để có phương án phòng tránh hay di tản đã đặt ra câu hỏi lớn cho S-400.
Rõ ràng các quốc gia đồng minh với Mỹ đang có sự hiện diện quân sự tại Syria không hề tỏ ra e sợ tổ hợp S-400 Triumf như những gì truyền thông Nga vẫn thường tự hào, thậm chí Israel còn "tặng" cho S-400 một thất bại cay đắng.
Với những gì đang diễn ra, có vẻ như người Nga đã tự tin đến mức "nổ quá đà" về uy lực thực sự của các hệ thống phòng không được họ triển khai tại Syria.