Cuối năm 2013, Larry Vickers, một cựu thành viên đơn vị đặc nhiệm Delta Force đã có chuyến đi đến Nga và được gặp một số đơn vị đặc nhiệm của nước này. Điều làm ông bất ngờ là những lính đặc nhiệm Nga mà ông gặp có vẻ ngoài rất giống đặc nhiệm phương Tây, do sử dụng quân trang tương tự nhau. Như trong hình dưới đây, những người lính Alfa, đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của Nga, có quân phục rất giống với quân phục MultiCam đang được các đơn vị đặc nhiệm Mỹ sử dụng phổ biến.
Không chỉ với lực lượng đặc nhiệm, quân đội Nga trong thời gian gần đây đã đầu tư mạnh mẽ vào trang bị của người lính bộ binh, tương tự như xu hướng mà quân đội các nước phương Tây đã thực hiện. Chiến dịch quân sự tại Crimea vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thay đổi này, đặc biệt là khi so với các với chiến dịch trước đó của quân đội Nga.
Khi các thiết bị phụ trợ cho vũ khí bộ binh bắt đầu được trang bị rộng rãi trong quân đội các nước phương Tây, đã có nhiều ý kiến, bao gồm một số chuyên gia quân sự từ Nga, phản đối xu hướng này. Họ cho rằng những thiết bị trên chỉ làm tăng thêm trọng lượng vô ích, và khiến người lính phụ thuộc vào chúng. Một số thiết bị cần có pin để hoạt động, và được cho là dễ hư hỏng khi sử dụng trong chiến trường thực tế. Tuy nhiên, qua thời gian thì chúng đã chứng tỏ sự hữu dụng của mình. Và quân đội Nga cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trong chiến dịch tại Crimea, khá nhiều binh sĩ Nga có vũ khí được trang bị thêm thiết bị phụ trợ.
Hầu như mọi binh sĩ Nga tại Crimea sử dụng mũ bảo vệ mới, có hình dạng giống các loại mũ bảo vệ thế hệ thứ 4 đang được sử dụng rộng rãi trong quân đội các nước phương Tây. Cho đến gần đây, mũ bảo vệ kiểu cũ vẫn còn được sử dụng phổ biến trong quân đội Nga. Thế hệ mũ bảo vệ thứ 2, xuất hiện từ thế chiến thứ 2, có thiết kế khá đơn giản và làm từ kim loại. Thế hệ mũ bảo vệ thứ 3, bắt đầu được quân đội Mỹ sử dụng từ những năm 1980, làm từ vật liệu Kevlar thay cho thép, và có hình dạng đặc trưng giống mũ mà quân đội Đức sử dụng trong 2 cuộc thế chiến. Sau đó thiết kế này được quân đội nhiều nước khác sử dụng.
Thế hệ thứ 4, làm từ vật liệu tổng hợp nhẹ và chắc chắn hơn Kevlar, được đưa vào sử dụng từ khoảng năm 2005. Một đặc điểm tiêu biểu của thế hệ này là phần ốp hai bên mang tai được cắt ngắn so với mũ thế hệ 3, để người lính có thể sử dụng tai nghe của điện đài cá nhân dễ dàng hơn. Một số loại mũ bảo vệ hiện nay, chủ yếu sử dụng bởi các đơn vị đặc nhiệm, cắt bỏ hoàn toàn phần che tai để có thể sử dụng loại tai nghe cỡ lớn có chức năng lọc tạp âm.
Một khác biệt đáng kể nữa của quân đội Nga tại Crimea so với trước đó là sự biến mất của ủng cao cổ và vải bọc chân, trang bị truyền thống của quân đội Liên Xô và Nga, thay vào đó là giày có dây cột và tất.
Vải bọc chân đã được quân đội Nga sử dụng từ thời Pie Đại đế ở thế kỷ 17. Tùy theo mùa mà người lính sẽ sử dụng loại vải phù hợp, cotton cho mùa hè và nỉ cho mùa đông. Quân đội các nước khác cũng sử dụng vải bọc chân cho đến trước và trong suốt thế chiến thứ nhất. Đến thế chiến thứ 2 thì đa số đã chuyển qua dùng vớ, trừ Liên Xô, vì việc sản xuất vớ được xem là không thật sự cần thiết trong thời điểm mà nước này cần ưu tiên mọi nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng.
Truyền thống này được kéo dài cho đến ngày nay ở những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Học cách quấn vải bọc chân là một trong những kỹ năng cơ bản đầu tiên mà các tân binh của Nga, Ukraine hay Belarus phải nắm vững.
Quân đội Nga bắt đầu thay thế vải bọc chân bằng vớ từ năm 2007, nhưng quá trình này diễn ra rất chậm chạp. Tháng 1/2013, bộ trưởng bộ quốc phòng Nga Sergei Shoigu bày tỏ sự không hài lòng và yêu cầu nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng vải bọc chân.
Những người ủng hộ truyền thống thì cho rằng vải bọc chân và ủng thích hợp với thời tiết lạnh giá của nước Nga hơn. Ủng cao cổ còn có khả năng chống thấm tốt hơn so với giày.
Một loại quân trang mới khác được nhiều binh sĩ Nga tại Crimea sử dụng là đệm bảo vệ gối. Đệm bảo vệ đầu gối và khuỷu tay trở thành trang bị tiêu chuẩn trong quân đội Mỹ từ đầu những năm 2000. Ban đầu, nhiều người cho rằng chúng không thật sự cần thiết. Ngoài ra, các thế hệ đầu tiên vẫn còn nhiều nhược điểm như trong quá trình sử dụng chúng có thể bị xê dịch, còn nếu xiết quá chặt thì chúng lại gây cản trở tuần hoàn máu. Tuy vậy, những cải tiến sau này đã phần nào giải quyết các vấn đề trên.
Bên cạnh đó, tác dụng của các loại đệm bảo vệ cũng đã được chứng minh qua thực tế chiến đấu, đặc biệt là đệm gối. Xu hướng tất yếu của bộ binh hiện đại là trọng lượng quân trang ngày càng tăng lên, và do đó đệm gối lại càng cần thiết hơn, không chỉ giúp bảo vệ người lính trong chiến đấu mà còn giảm thiểu những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Hướng phát triển hiện nay là làm đệm bảo vệ gọn nhẹ và dễ sử dụng hơn. Như mẫu cải tiến của quân phục tiêu chuẩn lục quân Mỹ có sẵn các túi ở đầu gối và khuỷu tay để có thể nhét những tấm bảo vệ làm từ sợi Kevlar. Hoặc nhiều loại quân phục mới có đệm bảo vệ được gắn trực tiếp bên ngoài. Quân phục của lính đặc nhiệm Alfa trong hình ở phần đầu bài viết cũng gắn sẵn đệm gối.