Thông tin trên được tờ Herald đăng tải dựa theo nguồn tin quan chức tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga và quan chức Bộ Quốc phòng Nga.
Theo nguồn tin trên, hồi giữa năm 2014, công ty xuất khẩu quốc phòng Nga và Bộ quốc phòng Trung Quốc đã 'âm thầm' ký hợp đồng bán ít nhất 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 trị giá hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, công ty xuất khẩu quốc phòng và nhà sản xuất S-400 đều từ chối bình luận hay xác nhận thông tin này.
Nếu thông tin trên chính xác thì đây là cái kết của quá trình đàm phán giữa Nga và Trung Quốc kéo dài trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, bản hợp đồng này lại khá bất ngờ với nhiều người bởi trước đó, Nga đã thông báo không xuất khẩu hệ thống S-400 cho bất cứ khách hàng nào trước năm 2016.
Hồi đầu năm 2014, báo Kommersant (Nga) dẫn lời Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, Anatoly Isaykin cho biết, do nhu cầu của Quân đội Nga còn rất lớn nên từ nay tới năm 2016, các nhà máy trong nước sẽ chỉ tập trung chế tạo S-400 theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng. Rosoboronexport cũng gửi lời xin lỗi tới các khách hàng tiềm năng đặt mua S-400 từ trước.
Việc Nga gấp gáp xuất khẩu hệ thống S-400 cho Trung Quốc có nhiều cách lý giải khác nhau, tuy nhiên cách lý giải hợp lý nhất vào thời điểm hiện tại là vì nguồn tài chính.
Moscow đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ Nga-Liên minh Châu Âu (EU) trở nên căng thẳng. EU đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt lên các quan chức và công ty Nga nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014 và những cáo buộc Nga có liên quan đến bất ổn tại Đông Ukraine.
Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn nguồn tin từ hai quan chức cao cấp của Chính phủ Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đang có kế hoạch mở cửa cho các dòng vốn từ Trung Quốc. Thông tin này được hé lộ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga do vấn đề Ukraine đang có nguy cơ đẩy kinh tế Nga rơi vào suy thoái.
Theo nguồn tin trên, Nga sẽ rút các giới hạn không chính thức về vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Moscow đang muốn thu hút vốn từ Trung Quốc vào một loạt lĩnh vực, từ nhà đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tới khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực quan trọng sẽ không được tiếp nhận vốn Trung Quốc, bao gồm các ngành khai thác vàng, bạch kim và kim cương, cùng các dự án công nghệ cao.
Về năng lượng, nếu như trước đây một vài năm, Moscow và Bắc Kinh còn cò kè bớt một thêm hai về giá của một thùng dầu, thì hiện tại, vấn đề giá cả này có lẽ sẽ được thông qua một cách nhanh chóng, một khi họ đã là hàng xóm tốt qua thỏa thuận chung giữa hai nguyên thủ.
Nga giải quyết cho Trung Quốc cơn khát năng lượng, còn Trung Quốc dùng đồng Nhân dân tệ cứu kinh tế Nga trước đòn trừng phạt. Trước những thông tin trên, giới phân tích cho rằng, Nga có nhiều thứ Trung Quốc thèm, còn Trung Quốc chỉ có một thứ duy nhất Nga cần: tiền, rất nhiều tiền.