Ngày 15/3/2013, tại Đại sứ quán Nga ở Lodon, Phó thủ tướng Nga D. Rogozin đã có bài phát biểu trước các nhà ngoại giao quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh. Ông Rogozin vốn là đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Nga- NATO nên rất am hiểu về các vấn đề liên quan đến quan hệ Nga- Mỹ- NATO và hiện là người phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng Nga.
Trong bài phát hiểu có mình, ông đã đưa ra một số nhận xét rất đáng chú ý, xin trích dẫn một số ý quan trọng nhất:
Theo ông Rogozin, các kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) của Mỹ sẽ tạo ra mối đe dọa đối với các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, Moscow đủ khả năng đáp trả các bước đi nói trên của Washington bằng cách hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân chiến lược của mình để chúng có thể vượt qua được lá chắn NMD.
“Bán kính hoạt động của các tên lửa chống tên lửa (của Mỹ) có thể với tới mọi căn cứ hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ Nga. Xét cho cùng, đây là mối đe dọa đối với lực lượng đảm bảo an ninh chủ yếu của chúng tôi (Nga) - lực lượng hạt nhân chiến lược. Điều đó buộc chúng tôi phải nghĩ tới việc hiện đại hóa tiềm lực chiến lược của chúng tôi. Đối với chúng tôi (Nga) thì vấn đề vượt qua được hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ đã được giải quyết xong”.
“Chúng tôi buộc phải tìm kiếm những giải pháp quân sự- kỹ thuật cho phép trong điều kiện phi đối xứng đủ khả năng loại trừ các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, ông Rogozin cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi trung thành với tinh thần và câu chữ của các cam kết của Liên Bang Nga, trong đó có cả vấn đề hạn chế vũ khí tấn công chiến lược”
Cũng theo lời ông thì: “Để có thể vượt qua được hệ thống phòng thủ chống tên lửa (của Mỹ), cũng không cần phải chế tạo thêm các tên lửa mới, đơn giản là chỉ cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật để có thể thay đổi đường bay và tránh hệ thống đánh chặn.
Chúng tôi đã hoàn thành công việc này, và nếu xét từ góc độ kỹ thuật thì hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ đối với chúng tôi chỉ là những lời dọa nạt suông. Nó (NMD của Mỹ) chỉ có thể trở thành vấn đề đối với an ninh của chúng tôi, nếu chúng tôi không thường xuyên hoàn thiện công nghiệp quốc phòng và khoa học của mình”.
Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, vào tháng 3/2013 Mỹ đã tuyên bố về dự định từ bỏ kế hoạch triển khai ở Ba Lan kiểu tên lửa đánh chặn mới trong khuôn khổ chương trình xây dựng hệ thống NMD châu Âu, nhưng đồng thời lại công bố một chương trình tăng cường phòng thủ tên lửa đến năm 2017 do có các mối đe dọa từ Triều Tiên, trong đó có kế hoạch triển khai bổ sung các tên lửa đánh chặn và radar tại Alaska.
Đại diện thường trực của Nga tại NATO A. Grushko tuyên bố rằng mặc dù Mỹ tuyên bố từ bỏ kế hoạch triển khai các thành phần NMD ở Ba Lan, nhưng vấn đề về mối đe dọa đối với an ninh đối với Nga vẫn chưa được quyết tận gốc .
Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Nga X. Shoigu đã đề nghị nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề NMD, trong đó có một nội dung là đề nghị người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel tiến hành cuộc họp Hội đồng Nga- NATO cấp bộ trưởng bộ quốc phòng tại Moscow vào ngày 24/5.
Còn Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov thì cho rằng những bất đồng về NMD cản trở việc xây dựng một không gian an ninh thống nhất Châu Âu- Đại Tây dương.
Rất có thể là những tuyên bố “tự tin” như trên của Phó Thủ tướng Nga D. Rogozin có liên quan đến kết quả các cuộc tập trận mà Nga mới tiến hành từ tháng 2/2013 tới nay. Các cuộc tập trận gồm:
1. Cuộc tập trận của Hải quân tại Biển Đen với sự tham gia của tất cả các tàu chiến và tàu tuần tiễu cỡ nhỏ cuả Hạm đội Biển Đen tại căn cứ hải quân Sevastopol.
2. Cuộc tập trận của Không quân tầm xa (Không quân chiến lược): Nga đã sử dụng tới 20 chiếc máy bay gồm các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS, Tu-22M3, máy bay tiếp dầu Il-78, các máy bay mang radar tuần tiễu và dẫn bắn A-50, các máy bay tiêm kích Su-27 và MiG-31 của Liên binh đoàn Không quân và phòng không Tây – Bắc, các máy bay hỗ trợ An-12 và máy bay lên thẳng Mi-8. Đích thân Tư lệnh Không quân tầm xa Nga, Trung tướng A. Zikharev chỉ huy cuộc tập trận này .
Các tình huống và nhiệm vụ trong cuộc tập trận là: a. chuyển các máy bay từ căn cứ không quân này sang căn cứ không quân khác trên lãnh thổ Nga với tất cả 6 sân bay (kể cả sân bay ở khu vực ngoài vòng cực) được sử dụng để luyện tập tình huống này, b/ Luyện tập phóng tên lửa.
Các máy bay ném bom chiến lược đã “tấn công” các mục tiêu ở 3 trường bắn, trong đó có trường bắn “Kura” ở Camchatka. Trường bắn này được sử dụng để thử nghiệm các tên lửa xuyên lục địa và các phương tiện kiềm chế hạt nhân khác. Như vậy, Không quân tầm xa Nga trong cuộc tập trận lần này đã diễn tập các phương án tiến công hạt nhân.
Trước đó, vào cuối tháng 2 (ngày 26/2), báo chí Mỹ đưa tin các máy bay ném bom tầm xa Nga đã luyện tập phương án bắn các tên lửa có cánh vào các mục tiêu phòng thủ chống tên lửa của Mỹ bờ biển Nhật Bản mà cụ thể là: máy bay Tu-22M ngày 26/2 đã tập phương án phóng tên lửa có cánh vào một tàu khu trục của Hải Quân Mỹ được trang bị hệ thống phòng chống tên lửa Aegis dọc bờ biển Nhật Bản
Cũng theo báo chí Mỹ thì ngày hôm sau, máy bay ném bom lại tiếp tục phóng giả định tên lửa có cánh vào các mục tiêu nói tương tự trên phần đất liền của Nhật Bản. Báo chí Mỹ nhận xét là hiện chưa rõ Nga có ý đồ gì khi tiến hành các cuộc tập trận như vậy nhưng những hành động như trên cho thấy Nga đang hướng các tên lửa đạn đạo của mình vào Nhật Bản hay các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực và những động thái này có thể liên quan đến kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa đến năm 2017 của Mỹ tại khu vực này và tại Alaska mà Mỹ tuyên bố là để đối phó với các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.
Còn một cuộc tập trận nữa của Hải quân Nga mà cụ thể là của Hạm đội Thái Bình Dương. Tàu chống ngầm cỡ lớn “Đô đốc Panteleev” đã bắn đạn pháo thật ở Biển Đông và đã tiêu diệt được các mục tiêu (giả định).
Các máy bay lên thẳng Ka-27 đã bay trinh sát và phát hiện các tàu ngầm giả định của đối phương. Lực lượng lính thủy đánh bộ luyện tập các phương án chống quân khủng bố. Hạm đội Thái Bình Dương đã huy động tới 3 tàu đổ bộ cỡ lớn “Đô đốc Nhevelski”, “Osliabia” và “Peresvet” cùng 600 lính thủy đánh bộ và 30 xe thiết giáp để hoàn thiện các phương án chống cướp biển.
Trước những toan tính chiến lược mới của Mỹ, những động thái và tuyên bố trên của Nga cho thấy nước này đã tính tới các phương án có thể để đối phó. Không loại trừ khả năng, Nga đã đi trước Mỹ một bước trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.