Phát biểu bên lề triển lãm Defexpo-2014 tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ), ông Yuri Bajkov, Tổng Giám đốc tập đoàn Almaz-Antey cho hay tập đoàn này đang chuẩn bị mở rộng các dự án hợp tác với khách hàng nước ngoài, không đơn thuần chỉ là cung cấp các hệ thống phòng không mới.
Theo ông Yuri, lĩnh vực hợp tác mới đầy hứa hẹn là phục hồi, nâng cấp cũng như kéo dài thời gian phục vụ đối với các hệ thống phòng không cũ của Liên Xô đang có trong biên chế của quân đội của hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ... Ông Yuri lấy ví dụ về việc tập đoàn Almaz-Antey hợp tác cùng với các công ty Ấn Độ trong việc nâng cấp hệ thống phòng không OSA-AKM của không quân nước này.
Ông Yuri cũng lưu ý rằng có rất nhiều phương án nâng cấp được Almaz-Antey đưa ra với các hệ thống phòng không cũ vốn đã lỗi thời. Các phương án nâng cấp tập trung vào các hệ thống phòng không nổi tiếng và đang được sử dụng nhiều như: Tunguska-M1, S-125 Pechora, OSA-AK/AKM, ZSU-23-4, radar P-18, P-19...
Theo xu hướng hiện nay, Almaz-Antey sẵn sàng thúc đẩy các hợp tác sâu rộng hơn với đối tác nước ngoài như việc thiết lập các cơ sở sửa chữa ngay tại chính quốc gia đó hoặc chuyển giao công nghệ giúp nâng cao khả năng sửa chữa của quốc gia sở tại.
Ông Yuri cho biết, hiện tại các phương án này đang được thảo luận với Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Armenia, Algeria,...
Cũng theo ông Yuri, trọng tâm sẽ là việc nâng cao chính sách hỗ trợ sau bán hàng bằng việc trực tiếp đào tạo kĩ sư, nhân viên kĩ thuật của khách hàng mua sản phẩm của Almaz Antey.
Hiện nay, quân chủng phòng không không quân Việt Nam đang sử dụng phần lớn là các hệ thống phòng không từ Liên Xô cũ như tên lửa: SAM-2 (S-75), SAM-3 (S-125), Strela-10, pháo phòng không tự hành ZSU-23-4, các đài radar P-18, P-35,... Đây đều là các hệ thống cũ, mặc dù về lý thuyết thì chúng vẫn có thể tiêu diệt các mục tiêu bay hiện đại ngày nay nhưng trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao thì xác suất tiêu diệt mục tiêu của các hệ thống này khá thấp.
Với môi trường bị chế áp điện tử mạnh, gây nhiễu cũng như ngày càng nhiều máy bay được tăng cường tính năng tàng hình, các hệ thống phòng không cũ sẽ khó có thể bắt kịp nếu không được nâng cấp. Mặc dù phương án nâng cấp không thể nào đạt hiệu quả cao như mua mới nhưng với những quốc gia sở hữu nhiều hệ thống phòng không cũ như Việt Nam, phương án nâng cấp vẫn có tính khả thi cao do các hệ thống này sau khi nâng cấp có thể đáp ứng một phần điều kiện chiến tranh hiện đại. Bên cạnh đó, với số lượng lớn đang sở hữu thì đây vẫn là mối đe dọa rất lớn với bất kỳ mục tiêu bay nào của đối phương.