Nga chuyển giao công nghệ vũ khí cho Việt Nam

Minh Thái |

Hợp tác quốc phòng Việt-Nga ngày càng được tăng cường khi Moscow tiến hành chuyển giao nhiều công nghệ vũ khí cho Việt Nam.

Một trong những công nghệ được Nga chuyển giao cho Việt Nam là công nghệ chế tạo tàu tên lửa Molniya. Tàu tên lửa Molniya là một trong chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay.

Tuy có kích thước nhỏ hơn so với tàu Gepard 3.9, nhưng Molniya lại sở hữu sức mạnh hỏa lực chống tàu mặt nước không hề thua kém mà thậm chí là vượt trội về mặt số lượng.

Mặc dù việc chế tạo các tàu tên lửa Molniya có sự hỗ trợ (theo hợp đồng) từ nhà máy Vympel (Nga), tuy nhiên, Việt Nam đang từng bước hướng tới việc nội địa hóa một phần sản phẩm tàu chiến hiện đại này.


Một chiếc tàu tên lửa Molniya do nhà máy Ba Son đóng

Một chiếc tàu tên lửa Molniya do nhà máy Ba Son đóng

Đại tá Nguyễn Mạnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Ba Son cho biết:

"Bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên của tổng công ty, còn phải kể tới việc chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ về quy trình công nghệ đóng tàu cũng như việc mạnh dạn nghiên cứu, đưa các loại vật tư được sản xuất trong nước vào mỗi sản phẩm…".

Cụ thể, cán bộ, công nhân viên của Tổng Công ty Ba Son đã đưa vào áp dụng nhiều sáng kiến, sáng tạo trong những hạng mục để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Trong đó phải kể đến việc sử dụng vật tư ván ép sản xuất trong nước để thay thế ván ép pa-nel 3 lớp nhập khẩu đi kèm với yêu cầu phải có thiết bị và phương pháp gia công chuyên dụng.

Nhờ đó mà các tàu do Tổng công ty Ba Son đóng không cần nhập thiết bị công nghệ gia công chuyên dụng có giá thành cao của nước ngoài, nhưng vẫn bảo đảm đúng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật nghiêm ngặt được đưa ra.

Hay chẳng hạn như việc sử dụng lưới có chất liệu bằng sợi polypropylene được sản xuất trong nước để chế tạo lưới lọc khí cho hệ thống hút gió của động cơ chính của tàu;

Thay thế các trang thiết bị trinh sát, phát hiện tác nhân phóng xạ, thiết kế và bố trí lại trang thiết bị nhà bếp trên tàu cho phù hợp với cách nấu truyền thống và những điều kiện thời tiết đặc thù của Việt Nam…

Khắc phục cơ sở hạ tầng hạn chế của nhà máy, Ban giám đốc Ba Son đã chỉ đạo và động viên anh em cán bộ, công nhân viên phát huy sáng kiến trong việc sử dụng các thiết bị có sẵn hoặc nghiên cứu chế tạo các thiết bị khác dùng trong quá trình đóng tàu.

Điển hình như việc mua thiết bị Easy laser để lắp ráp cơ khí và lắp các mặt phẳng chuẩn, bảo đảm chính xác cao thay thế cho thiết bị khác chuyên dụng, giúp tiết kiệm được 250.000 USD.

Hay việc chế tạo thiết bị hàn tự động titan, thiết bị gia công ống di động, thiết bị vệ sinh các phin lọc dầu nhớt, thiết bị thử tải cho các trang bị đặc chủng... Việc này góp phần bảo đảm chất lượng, tiến độ, thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí.

Theo công nghệ được phía nhà thiết kế chuyển giao, thân vỏ của tàu tên lửa Molniya phải được gia công và đấu ráp lần lượt theo nguyên tắc hình tháp từ gần 140 phân đoạn, tổng đoạn.

Việc này không phù hợp với thực tế cơ sở hạ tầng của tổng công ty. Do đó, ban giám đốc đã quyết định chuyển thành 6 tổng đoạn vỏ lớn và 8 tổng đoạn ca-bin.

Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ, công nhân phải gia công từng phần thân, vỏ tàu ở một nơi, sau đó di chuyển về một nơi để lắp ráp thành con tàu.

Sau khi hoàn thành công đoạn lắp ráp, tàu sẽ được hạ thủy và đưa về đồng bộ, hoàn thiện tại cảng của tổng công ty.

Đây là phương pháp rất khó, yêu cầu có độ chính xác tuyệt đối, bởi đây là yếu tố bảo đảm tốc độ của mỗi con tàu trong quá trình khai thác sử dụng sau này.

Việc áp dụng thành công sáng kiến này đã cho phép tổng công ty trong cùng một thời điểm có thể triển khai đóng tàu ở nhiều vị trí khác nhau, góp phần rút ngắn một phần lớn trong tiến độ sản xuất và kinh phí.

Như vậy, các tàu tên lửa Molniya vẫn đảm bảo được đúng chất lượng kỹ thuật chuẩn của Nga dù dùng một phần công nghệ Việt Nam.


Tên lửa chống hạm KCT 15

Tên lửa chống hạm KCT 15

Tương tự, sau khi sản xuất thành công một số thiết bị cho tên lửa, Việt Nam đã tự sản xuất sát thủ diệt hạm Kh-35UE với sự trợ giúp của chuyên gia Nga.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) do Bộ Quốc phòng tổ chức đã trưng bày tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất.

Từ những hình ảnh được công khai cho thấy, tên lửa KCT 15 và bệ phóng có hình dáng bên ngoài rất giống với tên lửa chống hạm 3M24-E (Kh-35E) Uran-E được sản xuất tại Nga.

Từ năm 2013, Việt Nam bắt đầu được Nga chuyển giao công nghệ tên lửa Kh-35E để tự sản xuất loại tên lửa này.

Theo nhận định của một số chuyên gia, tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất có thể được áp dụng những công nghệ mới nhất trên phiên bản Uran-UE.

Điểm đáng chú ý nhất của biến thể Uran-UE là nhờ trang bị động cơ mới, bổ sung cơ chế dẫn đường bằng cách tham chiếu vệ tinh cũng như tối ưu hóa quỹ đạo bay, nên mặc dù kích thước tên lửa và đầu đạn không đổi nhưng tầm bắn của Uran-UE đã tăng lên tới 260 km.

Nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang khẳng định mình hoàn toàn có đủ năng lực khi tự nâng cấp và sản xuất thành công nhiều thiết bị quan trọng trên cơ sở nhận chuyển giao công nghệ từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại