Nga chuẩn bị chiến tranh 'phi tiếp xúc' thế hệ 6

Những cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ là những cuộc chiến tranh "phi tiếp xúc" với khả năng tấn công ngoài đường chân trời, khả năng sát thương mục tiêu nhỏ từ tầm tiến công lên đến hàng chục ngàn km.

Đáp trả phi đối xứng

Đây là vấn đề mà lực lượng pháo binh - tên lửa Liên bang Nga phải giải quyết trong thời gian sắp tới. Sự phát triển của vũ khí hạt nhân chiến thuật công suất nhỏ hoặc siêu nhỏ có thể trở thành sự đáp trả phi đối xứng như thế

Những thay đổi đáng kể trong quan điểm về việc tiến hành các hoạt động tác chiến và vai trò của vũ khí pháo binh-tên lửa trong những hoạt động này đã diễn ra vào cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI cùng với sự hình thành quan niệm chiến tranh mạng trung tâm. Đồng thời bộc lộ cả sự tụt hậu của nước Nga so với trình độ thế giới trong lĩnh vực này. Quan điểm của mình về thực trạng của vũ khí pháo binh-tên lửa nước nhà và các phương hướng ưu tiên phát triển lĩnh vực này được các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu về đề tài này trong khuôn khổ Học viện khoa học tên lửa-pháo binh Nga đệ trình.

Vũ khí pháo binh-tên lửa là loại vũ khí đã có từ rất lâu của những đội quân hiện đại. Trong khoảng thời gian hơn 600 năm sự phát triển của vũ khí pháo binh-tên lửa diễn ra theo con đường tiến hóa: tăng tầm bắn, tăng uy lực của đạn dược, phát triển độ chính xác của đầu đạn khi bắn vào mục tiêu và tốc độ bắn của các hệ thống pháo.

Trong khi đó thì những nguyên tắc sử dụng cơ bản loại vũ khí ấy hàng thế kỷ không thay đổi, trên thực tế ở bất cứ đâu, vẫn là tập trung hỏa lực, bắn tập trung vào những mục tiêu quan trọng nhất, trưng dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ hỏa lực các đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn hoặc là pháo có nòng truyền thống hoặc là pháo phản lực hiện đại hơn.

Câu hát nổi tiếng “trong hàng trăm nghìn đại đội pháo binh…”, tất nhiên là sự phóng đại nghệ thuật, nhưng có lẽ chỉ là để xếp hạng. Chẳng hạn,trong một cuốn sách kinh điển về lịch sử pháo binh, xuất bản năm 1953 do Mikhail Trixtiacôv làm chủ biên có dẫn ra các số liệu về số lượng pháo trên chiến trường Bôrôđinô (gần 1200 khẩu), ở tất cả các nước tham gia Thế chiến I (2.5000 khẩu) và trưng dụng để tiến công Beclin (trên 41.000 khẩu). Đồng thời lượng pháo, cối tất cả các cỡ sản xuất hàng năm ở Liên Xô đạt tới 120.000 khẩu.

Sự phát triển như vũ bão sau chiến tranh của vũ khí tên lửa đã tạo ra những điều chỉnh về quan điểm đối với vai trò của vũ khí pháo binh-tên lửa trong các hoạt động tác chiến, nhưng ở tất cả các quốc gia chủ đạo các tổ hợp tên lửa được bố trí ở bất cứ đâu, có tầm bắn lớn trước hết đều được coi là phương tiện mang vũ khí hạt nhân (trừ các tố hợp tên lửa phòng không và chống hạm).

Cái gọi là cuộc cách mạng thứ 5 trong lĩnh vực quân sự được các nhà phân tích Vladimir Xliptrencô và Ivan Capitanetx gắn với sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân vào năm 1945. Cuộc chạy đua vũ khí tên lửa-hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra sau Thế chiến II đã dẫn tới sự ra đời của các lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược nước ta và việc qui định nguyên tắc đồng đẳng tương đối giữa các quốc gia. Việc khôi phục bộ ba của các lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của lá chắn tên lửa- hạt nhân chiến lược cho tới nay vẫn đang là nhiệm vụ chủ yếu của chương trình vũ trang quốc gia.

Chiến tranh phi tiếp xúc

Những thay đổi đáng kể về hình thức và phương pháp sử dụng vũ khí pháo binh-tên lửa đã diễn ra vào cuối thế kỷ XX cùng với sự phát triển quan niệm tiến hành các chiến dịch không-bộ, xây dựng các tổ hợp trinh sát-tiến công (trinh sát-hỏa lực). Những yêu cầu đòi hỏi chủ yếu đối với pháo binh là tích hợp được với các phương tiện trinh sát và chỉ huy tự động hóa, có khả năng triển khai/thu hồi nhanh tại các trận địa hỏa lực, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị khai hỏa nhanh, khả năng sử dụng một cách hiệu quả đạn dược có độ chính xác cao.

Từ thời điểm này cũng đã bộc lộ sự tụt hậu của vũ khí pháo binh-tên lửa nước nhà so với trình độ thế giới. Nếu như thế hệ đầu tiên của các loại đạn dược đã nêu với hệ thống định hướng bán chủ động không thua kém các mẫu tương tự của nước ngoài thì đạn dược có độ chính xác cao với hệ thống định hướng tự động của chúng ta thua kém họ một cách đáng kể, cũng như thua kém cả hệ thống chỉ huy bộ đội và vũ khí tự động hóa, mà cụ thể là hệ thống chỉ huy tự động hóa của bộ đội tên lửa và pháo binh.

Những thay đổi trong quan điểm về việc tiến hành các hoạt động tác chiến hiện đại (chuyển sang các cuộc chiến tranh thế hệ thứ sáu) và vai trò của bộ đội tên lửa và pháo binh trong các cuộc chiến tranh ấy đã diễn ra trên ranh giới thế kỷ XXI với sự hình thành và vận dụng vào thực tiễn quan niệm chiến tranh mạng trung tâm và việc thiết lập trong khối NATO độc quyền lãnh đạo của Mỹ.

Đa số các nước Liên minh Bắc Đại tây dương, bao gồm cả Mỹ không tiến hành hiện đại hóa những hệ thống pháo binh hạng nặng như: lựu pháo tự hành trên satxi xe tăng, hệ thống pháo phản lực bắn loạt trên xe xích và các tổ hợp tên lửa của lục quân, các hệ thống súng phun lửa hạng nặng và nhiều loại vũ khí khác. Trong khi đó họ tích cực hiện đại hóa vũ khí có độ chính xác cao, xe chiến đấu bọc thép các kiểu, các hệ thống pháo có tính cơ động cao trên sàn xe bánh lốp, các phương tiện trinh sát pháo binh, liên lạc và chỉ huy tự động hóa.

Các cuộc chiến tranh thế hệ thứ sáu thường được gọi là chiến tranh phi tiếp xúc, đồng thời, tất nhiên là, khác với chiến tranh tên lửa-hạt nhân thế hệ thứ năm (những cuộc chiến tranh như thế chưa từng có trong thế kỷ XX và xác suất phát sinh trong thế kỷ XXI cũng là rất nhỏ) chúng được tiến hành hoặc sẽ được tiến hành bằng vũ khí có độ chính xác cao với đạn dược phi hạt nhân.

Để làm ví dụ cho cuộc chiến tranh phi tiếp xúc như thế người ta thường nêu ra chiến dịch cùa NATO ở Nam Tư (1999), nhưng nó chỉ giải quyết những nhiệm vụ hạn chế và không đặt ra mục đích tiêu diệt lực lượng vũ trang đối phương, cũng không phải nhằm kiểm soát lãnh thổ của họ. Đặc trưng hơn cả là các hoạt động quân sự của Mỹ và liên quân ở vịnh Pecxich từ năm 1991 đến năm 2013.

Hiện nay Mỹ và các đồng minh đang tiến gần tới mục tiêu thay đổi cân bằng lực lượng chiến lược không phải bằng cách tăng cường vũ khí hạt nhân chiến lược và thậm chí không dựa vào việc triển khai các hệ thống chống tên lửa-có khả năng làm giảm hiệu quả đòn đáp trả (cho dù những định hướng này cũng giành được sự quan tâm khá lớn), mà thực hành tiến công tập trung, bí mật, tước khí giới đối tượng tác chiến bằng việc sử dụng vũ khí có độ chính xác cao vào các phương tiện kiềm chế hạt nhân chiến lược.

Đây là một biện pháp cực kỳ đắt giá, đòi hỏi các hành động hiệp đồng của tất cả các binh chủng của lực lượng vũ trang, cụm quĩ đạo, sự phối hợp hoạt động của các hệ thống chỉ huy, trinh sát, tác chiến điện tử toàn cầu…Và giá thành riêng của các phương tiện sát thương có độ chính xác cao cũng rất đắt (giá của một tên lửa hành trình kiểu Tômahôc là hơn 1 triệu đô la, và tên lửa siêu âm tương lai có thể lên đến hàng chục triệu đô la).

Chuẩn bị chiến tranh thế hệ 6

Kinh nghiệm cay đắng của Liên Xô, quyết tâm không tiếc tiền của đáp trả một cách hợp lý sáng kiến phòng thủ chiến lược của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Việc khởi công đóng các tàu sân bay tương tự như của Mỹ, cố gắng duy trì sự cân bằng về số lượng vũ khí tên lửa- hạt nhân với cả thế giới đã cho thấy rằng cách làm đó không có triển vọng. Sự đáp trả phi đối xứng phù hợp với thách thức này hay thách thức khác trong thập niên 80 thế kỷ trước đã không thể tìm được.

Hiện nay, theo quan điểm của chúng tôi sự đáp trả phi đối xứng như thế có thể là phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật công suất nhỏ và siêu nhỏ của bộ đội tên lửa và pháo binh. Các công nghệ hiện đại cho phép chế tạo loại vũ khí này ở các cỡ của vũ khí pháo binh cơ bản, các tổ hợp tên lửa đa năng tương lai có độ chính xác cao và các quả đạn của các hệ thống pháo phản lực bắn loạt, đồng thời trên thực tế khả năng bọn khủng bố sử dụng loại vũ khí này, thậm chí cả trong trường hợp loại đạn dược này rơi vào tay chúng được loại trừ hoàn toàn.

Khi thông qua về mặt nguyên tắc quyết định phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật nhất thiết phải công bố một cách rõ ràng là, loại vũ khí này chỉ được sử dụng để đánh trả ngoại xâm và chỉ trên lãnh thổ của nước mình. Tất nhiên, quyết định như thế sẽ tạo ra sự phê phán quyết liệt từ phía các láng giềng của LB Nga, của các nước “câu lạc bộ hạt nhân”, sự buộc tội trong việc hạ ngưỡng chiến tranh hạt nhân…

Chỉ có thể có một sự đáp trả-biện pháp này là điều bắt buộc. Thậm chí việc thực hiện trọn vẹn chương trình vũ trang quốc gia-2020 và thường xuyên cải cách Các lực lượng vũ trang của nước Nga cũng sẽ không đảm bảo được cho họ khả năng tiến hành cuộc chiến tranh thế hệ thứ sáu với đối tượng tác chiến nguy hiểm nào đó. Nói một cách hình tượng, những khả năng của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga năm 2020 chỉ đủ để tiến hành đồng thời một vài chiến dịch chống khủng bố. Có thể đủ để “cưỡng chế hòa bình” (bắt buộc chấm dứt chiến sự) một quốc gia có đường biên giới chung với quân đội khoảng 20 ngàn người.

Nhưng rõ ràng là sẽ không đủ để chiến đấu với kẻ thù ngang tầm về công nghệ nhưng trên cơ đáng kể về số lượng (quân đội của Trung Quốc là hơn 2,3 triệu người, với lực lượng dự bị động viên trên 30 triệu), hoặc với nước đang đối đầu, gần ngang bằng về quân số, nhưng trên cơ đáng kể về mặt công nghệ (quân đội Mỹ-dưới 1,5 triệu người một chút, các nước châu Âu của NATO-hơn 1,5 triệu quân nhân một chút).

Tình hình kinh tế và chính trị quân sự bắt buộc nước Nga phải giải quyết nhiệm vụ mâu thuẫn 2 trong 1 là- đảm bảo kiềm chế chiến lược, có nghĩa là ở trong khuôn khổ các cuộc chiến tranh thế hệ thứ 5, đồng thời chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh tương lai, những cuộc chiến tranh thế hệ thứ 6.

Vladimir Xliptrencô-người đã nhắc tới trên đây đã chỉ ra một cách rất thuyết phục là, việc sở hữu lực lượng hạt nhân chiến lược kiềm chế đã không ngăn chặn được cuộc chiến tranh nào trong nửa sau thế kỷ XX, không giúp cho nước Mỹ giành chiến thắng ở Việt Nam, và Liên Xô làm được điều tương tự ở Apganixtan, nhưng chúng tôi đề nghị điều chỉnh chút ít các kết luận được rút ra từ những sự kiện đó.

Không cần phải cự tuyệt hoàn toàn với vũ khí hạt nhân và hướng tất cả mọi nỗ lực vào việc phát triển vũ khí có độ chính xác cao, công nghệ mạng, các hệ thống đối đầu thông tin và những hợp phần khác của cuộc chiến tranh thế hệ thứ 6.

Hành động trong kiềm chế hạt nhân hợp lý hơn cả là chuyển sang việc chế tạo thế hệ mới vũ khí hạt nhân chiến thuật giá thành rẻ hơn, ít nguy hại hơn thậm chí trong những điều kiện của chính cuộc chiến tranh này, loại vũ khí có thể là công cụ kiềm chế không những kẻ xâm lược khu vực mà cả ở phạm vi chiến lược, bởi vì thật khó hình dung nếu không tác chiến trên bộ mà có thể đạt được mục tiêu xâm lược chống lại nước Nga.

Tất nhiên bên cạnh điều này cần phải phát triển một cách tích cực nhất tất cả các công nghệ, các loại vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự và đặc chủng liên quan tới việc chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh thế hệ thứ sáu, thông qua các quyết định phù hợp về công tác tổ chức và chỉ huy.

Sự phức tạp của việc thực hiện một tổ hợp biện pháp đa dạng trong khuôn khổ Các lực lượng vũ trang, và thực tế ở những qui mô của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế nước nhà nói chung, sẽ tạo ra khó khăn cho việc chuyển đổi cả bộ máy quân sự của đất nước sang những nguyên tắc mạng trung tâm xây dựng, sử dụng và phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự và đặc chủng.

Trong khi đó ở lĩnh vực vũ khí pháo binh-tên lửa đang có các điều kiện tiên quyết để chế tạo các mô đun trinh sát- tiến công (trinh sát- hỏa lực) thích ứng có hiệu quả cao, có khả năng hoạt động cả trong các hệ thống chỉ huy hiện có (không linh hoạt, liên kết cứng nhắc, với những khả năng hạn chế về bảo đảm thông tin-trinh sát-ví dụ như trong hệ thống chỉ huy thống nhất cấp chiến thuật), cả trong các hệ thống mạng trung tâm tương lai.

Cần phải ghi nhớ rằng, trong Các lực lượng vũ trang LB Nga đến thời điểm này trên thực tế vẫn còn thiếu một quan niệm rõ ràng về việc xây dựng hệ thống vũ khí pháo binh-tên lửa, việc chuyển sang cấu trúc mới của Lục quân càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng, đồng thời cũng tạo ra những điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề này. Cụ thể đã nảy sinh việc xác định các cỡ nòng cho pháo có nòng, thành phần biên chế các cụm pháo của các đơn vị Lục quân, phạm vi cơ sở các phương tiện vận tải dành cho vũ khí tên lửa và pháo binh của Lục quân bị thu hẹp.

Những vấn đề về giảm bớt các loại pháo phản lực bắn loạt, các tổ hợp chống tăng và phòng không của Lục quân, sự cần thiết và các phương hướng phát triển tiếp theo các tổ hợp tên lửa tác chiến chiến thuật, chế tạo các loại tên lửa tương lai, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, công tác bảo đảm hoạt động của các đơn vị tên lửa và pháo binh Lục quân trong không gian trinh sát-thông tin thống nhất đều đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Đi đôi với việc giải quyết các vấn đề về quan niệm hoàn thiện vũ khí pháo binh-tên lửa, bao gồm cả các phương tiện hạt nhân chiến thuật kiềm chế phải dành sự quan tâm đặc biệt cho việc phát triển các hệ thống mới về mặt nguyên tắc loại vũ khí nêu trên, các hệ thống phóng đạn mới, chế tạo chúng dựa trên những nguyên tắc vật lý hoàn toàn mới, sử dụng các công nghệ nanô và mạng neuro trong việc chế tạo các tổ hợp vũ khí pháo binh-tên lửa và các phương tiện bảo đảm thông tin-trinh sát tương lai.

Trong quan niệm an ninh quốc gia, Học thuyết quân sự của LB Nga và các văn kiện gốc khác của nước ta đã xác định các nhiệm vụ của nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và trình bày những luận điểm cơ bản của chính sách kỹ thuật-quân sự. Trước hết đây là sự phát triển và hoàn thiện hệ thống vũ khí trang bị và tổ hợp công nghiệp quốc phòng, và cả sự hợp tác quân sự, bảo đảm cho việc giải quyết các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của đất nước ở mức độ cần thiết được thống nhất về mục đích, nguồn lực và kết quả kỳ vọng.

Chính trong những văn kiện này đã tuyên bố rằng, việc trang bị cho Các lực lượng vũ trang LB Nga được tiến hành chỉ bằng vũ khí không thua kém hoặc ưu việt hơn về các tính năng của mình so với các mẫu của nước ngoài. Như vậy, trong thế kỷ XXI nước Nga trong chính sách kỹ thuật-quân sự của mình đang hy vọng vào sự phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật và công nghệ của đất nước và Các lực lượng vũ trang. Trong số những phương hướng ưu tiên có nêu ra việc phát triển hoặc chế tạo các hệ thống vũ khí trang bị sau:

- vũ khí có độ chính xác cao (thông minh cao, tinh khôn) cùng với việc tạo cho nó khả năng tích hợp được với các hệ thống (tổ hợp) trinh sát-tiến công liên binh chủng;

- các lực lượng và phương tiện đối đầu thông tin;

- các hệ thống thông tin-chỉ huy cơ sở, tích hợp với các hệ thống điều khiển vũ khí và các tổ hợp phương tiện tự động hóa các cơ quan chỉ huy các cấp chiến lược, chiến lược- chiến dịch, chiến dịch, chiến dịch-chiến thuật và chiến thuật;

- các hệ thống và tổ hợp kỹ thuật- quân sự và kỹ thuật đặc chủng trên cơ sở các công nghệ của kỹ thuật rô bôt và các qui trình điều khiển thông minh;

- các hệ thống và tổ hợp vũ khí phi truyền thống;

- các phương tiện đấu tranh vũ trang kích thước nhỏ và siêu nhỏ trên cơ sở micrô vi hóa và công nghệ na nô, đặc biệt để giải quyết các nhiệm vụ trinh sát, phản gián và chỉ huy chiến đấu.

Trong hội nghị Bộ Quốc phòng mở rộng ngày 27 tháng 2 năm 2013 Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của các phương hướng này, tách riêng nhiệm vụ chế tạo rô bôt kỹ thuật chiến đấu, trong đó có các khí tài bay không người lái. Nguyên thủ quốc gia đặc biệt nhấn mạnh rằng, “trong vòng 2 năm tới cần phải chế tạo được hệ thống nghiên cứu triển vọng và các phát minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quân sự”, đồng thời phải tuân thủ một cách nghiêm minh những thông số của chương trình vũ trang quốc gia đến năm 2020.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại