Lệnh cấm mất tác dụng
Hãng TASS ngày 4/7 dẫn nguồn tin từ Tập đoàn đóng tàu thống nhất Nga (USC) cho biết, tập đoàn vẫn hoạt động tốt và chẳng mất khách hàng nước ngoài nào, trước áp lực khủng khiếp từ những lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt với Nga.
Tuyên bố trên được Giám đốc bộ phận hợp tác quân sự - kỹ thuật của USC, ông Alexey Dikiy phát biểu tại Triển lãm quốc phòng hàng hải quốc tế (IMDS 2015) tại thành phố St. Petersburg ngày 4/7.
Giám đốc Dikiy khẳng định rằng các lệnh trừng phạt chẳng ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh của tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Nga.
Ông Dikiy phát biểu: “Chúng tôi định hướng cung cấp các sản phẩm quân sự chủ yếu với các đối tác lâu năm như Ấn Độ và tất nhiên là Việt Nam, các nước Đông Nam Á và một vài nước tại vùng Địa Trung Hải. Chúng tôi vẫn giữ được tất cả các khách hàng”.
Ngoài ra, USC cũng giữ được các khách hàng quen thuộc như các nước thuộc Liên Xô cũ.
Từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Moscow đã phải gánh chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Các lệnh trừng phạt tăng cường cũng được đưa ra sau khi phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga đưa vũ khí và binh lính giúp đỡ cho lực lượng nổi dậy tại miền đông Ukraine, góp phần làm bất ổn Ukraine.
Tàu hộ vệ tàng hình INS Teg Nga xuất khẩu cho Ấn Độ.
Cấm vận khiến Nga có lãi
Hãng TASS dẫn nguồn từ Tập đoàn Kalashnikov cho biết, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, năm 2014 hãng đã đạt được lợi nhuận lớn nhất trong 7 năm qua.
Theo thông báo của Kalashnikov, lợi nhuận của tập đoàn này đã có dấu hiệu tăng lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua, và tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn vũ khí này có thể lên tới 73,5 triệu USD do biến động tỷ giá giữa đồng Rúp và USD trong những tháng gần đây.
Cụ thể, trong năm 2014 ước tính đạt 46 triệu USD tăng 28% so với năm 2013.
Ngoài ra, Tập đoàn vũ khí Kalashnikov còn đang thực hiện chiến lược phát triển mới trong giai đoạn từ nay cho đến 2020, nhằm mở rộng các thị trường tiềm năng cũng như các thị trường truyền thống góp phần đẩy mạnh doanh thu và doanh số bán hàng.
Các dòng sản phẩm như súng trường AK-47 hay các dòng AK-100 là những cái tên chiến lược của hãng tiếp tục xâm nhập thị trường trong thời gian tới.
Theo tiết lộ của Kalashnikov, trong chiến lược phát triển của tập đoàn, ưu tiên số 1 là duy trì vai trò vị trí của công ty này trong các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Bộ quốc phòng và các cơ quan an ninh của Nga.
Bên cạnh đó là củng cố vị thế trên thị trường vũ khí cá nhân thế giới đang ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là sau lệnh cấm vận của Mỹ hồi năm 2014 khiến kế hoạch xuất khẩu của tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, buổi lễ đầy màu sắc để ra mắt hình ảnh nhận diện thương hiệu mới hôm 2/12/2014 là bước đi đầu tiên của kế hoạch củng cố vị thế trên thị trường vũ khí thế giới của Kalashnikov.
Sở dĩ tập đoàn đặt doanh số bán hàng ra thị trường thế giới lên hàng đầu là do 80% số vũ khí dân sự của Kalashnikov sản xuất dùng để xuất khẩu.
Theo một hợp đồng phân phối được ký hồi năm 2013 thì dự kiến hãng này sẽ xuất sang Mỹ, thị trường vũ khí dân sự lớn nhất thế giới, 200.000 khẩu súng trường.
Đây là một thỏa thuận đầy tham vọng khi so với sản lượng hiện nay của Kalashnikov là 150.000 khẩu súng trường dân sự một năm.
Logo mới của súng trường AK.
Song dự định này đã tan biến khi chính phủ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Kalashnikov do sự can dự của Nga tại Ukraine. Hãng này cũng bị đẩy ra khỏi thị trường Châu Âu khi EU áp dụng lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, Kalashnikov đã tìm cách 'lách luật' khi đồng ý cho công ty RWC - công ty nhập khẩu và phân phối súng AK lớn nhất tại Mỹ) được phép sản xuất súng AK-47 trên đất Mỹ.
“Thị trường Mỹ rất quan trọng đối với chúng tôi”, CEO của Kalashnikov, ông Alexei Krivoruchko, thừa nhận trong buổi họp báo công bố thương hiệu và chiến lược phát triển mới từ nay đến năm 2020.
Trọng tâm của chiến lược này là những hình ảnh nhận diện thương hiệu mới cho 3 dòng sản phẩm chủ lực, súng quân dụng Kalashnikov, súng săn Baikal và súng thi đấu thể thao Izhmash.
Bên cạnh đó là kế hoạch khai phá những thị trường mới, như Nam Mỹ, Châu Á - Thái Bình Dương, và Châu Phi, nhằm bù đắp cho việc thị trường Mỹ bị ảnh hưởng.
Mục tiêu chính là tăng gấp 4 lần doanh thu và mở rộng sản lượng lên 300.000 sản phẩm một năm và trở thành nhà sản xuất vũ khí cá nhân hàng đầu thế giới vào 2020.
Thiệt hại của EU khi cấm vận Nga
Vừa qua, Viện nghiên cứu kinh tế Áo công bố một bản tài liệu cho thấy, lệnh trừng phạt Nga có thể làm châu Âu thiệt hại đến 92 tỷ euro hoặc hơn nữa trong tương lai dài hạn.
Theo nghiên cứu trên, do áp lực tổng thể lên nền kinh tế Nga và các biện pháp đáp trả của Moscow, các nước EU và Thụy Sĩ có thể bị mất tới 34 tỷ euro trong triển vọng ngắn hạn và đến 92 tỷ euro trong dài hạn.
Phần Lan, các nước Baltic và các nước Đông Âu có thể mất tới 0,8% GDP trong chu kỳ dài hạn.
Chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ các biện pháp trừng phạt và phản trừng phạt sẽ là các quốc gia châu Âu gần Nga về mặt lãnh thổ và có kim ngạch thương mại với Nga cao hơn.
Trong đó, Đức sẽ mất mát nhiều nhất, nền kinh tế nước này sẽ thiệt hại khoảng 22,3 tỷ euro.
Bởi vậy, hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều doanh nhân ở châu Âu, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, liên tục kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga.
Điều này nhằm đảm bảo cho để Liên bang Nga gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đã áp đặt đối với một số sản phẩm từ EU.
Tuần trước, các doanh nhân đến từ Đức lại một lần nữa lên tiếng đòi hỏi gỡ bỏ lệnh cấm vận Nga. Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế miền Đông của Cộng hòa liên bang Đức Eckhard Cordes tuyên bố: “… những sự kiện hiện nay đã vượt quá những chờ đợi tồi tệ nhất của chúng tôi”.
Ông Cordes cho rằng, tình hình hiện nay đã vượt quá mọi dự đoán tồi tệ nhất của giới chức kinh tế nước này.
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga đã giảm 1/4, tương đương 9 tỷ USD, 150.000 người lao động Đức có khả năng mất việc làm, con số này trên khắp châu Âu có thể lên tới 2,2 triệu người (1% tổng chỗ làm).
Ông Cordes còn cảnh báo, sự suy yếu các liên lạc kinh tế đồng thời sẽ dẫn đến sự giảm sút ảnh hưởng chính trị.
Tình hình sẽ tiếp tục bấp bênh trong thời gian dài, kể cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ ngay lập tức. Ông còn cho rằng, tổng thiệt hại của Liên minh châu Âu có thể sẽ lên đến 100 tỷ euro.