UAV tấn công tàng hình (UCAV) đang trở thành một xu hướng phát triển mới của thế giới. UAV hội tụ đầy đủ tính năng tấn công mạnh mẽ của một chiếc tiêm kích trong khi vẫn đảm bảo được tính bí mật và an toàn do không có người lái. Trong tương lai, cuộc chiến trên không sẽ được định đoạt bằng những cuộc chạm trán giữa các máy bay không người lái.
Nga, Mỹ, châu Âu được xem là những ông lớn trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ, tuy nhiên, Moscow lại khá chật vật với lĩnh vực phát triển các phương tiện bay không người lái.
Itar-Tass dẫn lời ông Oleg Bochkarev, Phó chủ tịch Ủy ban công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, mẫu thử nghiệm UAV tấn công tàng hình có trọng lượng khoảng 20 tấn dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2018.
Ông nói: “Trong năm 2018, mẫu thử nghiệm dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên nếu mọi việc diễn ra đúng tiến độ và không có thay đổi nào”. Mùa hè năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển các UAV.
Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga, có 3 công ty tham gia vào chương trình đấu thầu phát triển UAV cho cơ quan này, bao gồm tập đoàn Sukhoi, Sokol và Transas Group. Hợp đồng phát triển một UAV tấn công tàng hình tải trọng 20 tấn đã được trao cho Sukhoi vào năm 2011.
Trong khi mãi đến năm 2018, UAV tấn công tàng hình đầu tiên của Nga mới có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên thì Mỹ và châu Âu thậm chí là cả Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm các mẫu UAV tấn công tàng hình của mình.
Từ khi mẫu thử nghiệm thực hiện chuyến bay đầu tiên đến khi đi vào phục vụ phải mất từ 5-7 năm để giải quyết các vấn đề liên quan. Như vậy, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì phải đến sau năm 2020 Nga mới có được UCAV đầu tiên của mình.
Trước đó, nhà sản xuất máy bay lừng danh của Nga là Mikyoan đã phát triển mẫu thử nghiệm UCAV mang tên MiG-Skat với trọng lượng cất cánh khoảng 10 tấn. Ít nhất một mẫu thử nghiệm đã được hoàn thành nhưng chương trình này đã bị hủy bỏ và Bộ Quốc phòng Nga lại giao hợp đồng phát triển UCAV mới cho Sukhoi.
Trong khi đó, Mỹ đã hoàn thành chương trình trình diễn hệ thống chiến đấu không người lái trên không với mẫu X-47B. Loại UCAV này đã trải qua các thử nghiệm thành công, đặc biệt là khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay. Dự kiến X-47B sẽ được phát triển thành X-47C UCLASS (máy bay giám sát và tấn công không người lái cất cánh từ tàu sân bay) và đi vào hoạt động trong Hải quân Mỹ từ năm 2019.
Với châu Âu, chương trình UCAV Neuron của Pháp đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2012, chương trình UCAV Taranis của Anh cũng đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 09/2013. Ngay như Trung Quốc, một quốc gia được xem là “sinh sau đẻ muộn” trong lĩnh vực công nghiệp hàng không cũng đã thực hiện chuyến bay đầu tiên với mẫu UCAV Sharp Sword.
Không chỉ chậm chân trong chương trình UCAV, ông lớn Nga cũng tỏ ra khá chật vật với các mẫu UAV thông thường của mình. Hiện nay, quân đội Nga phải nhập khẩu UAV từ Israel bởi các mẫu phát triển trong nước đa phần không làm hài lòng giới chức quân đội nước này. Số lượng UAV đang hoạt động trong Không quân Nga rất hạn chế, chủ yếu là các loại trinh sát tầm ngắn mà nổi bật nhất là loại UAV IAI-Searcher của Israel.
Trong khi đó, Không quân Mỹ sở hữu một phi đội UAV trinh sát, tấn công hùng hậu bao gồm 177 chiếc MQ-1 Predator, 104 chiếc MQ-9 Reaper, 37 chiếc trinh sát toàn cầu RQ-4 Global Hawk cùng hàng trăm chiếc UAV trinh sát cỡ nhỏ khác.
Rõ ràng sự yếu kém trong lĩnh vực UAV trinh sát, tấn công đã khiến Không quân Nga mất đi nhiều lợi thế về mặt chiến thuật, nó làm hạn chế rất nhiều đến khả năng tấn công và phòng ngự của Không quân Nga. Sự yếu kém này sẽ phải mất một thời gian tương đối nữa mới khắc phục được.
Máy bay không người lái MiG-Skat
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA