Thị trường béo bở
Tờ Hindustan Times ngày 29/6 cho hay, các chính trị gia cấp cao từ Pháp, Mỹ và Anh sẽ đến Ấn Độ trong những tuần tới khi mà Thủ tướng Modi chuẩn bị thúc đẩy quá trình hiện đại hóa các hệ thống vũ khí phần lớn có từ thời Xô Viết của Ấn Độ. Ông Modi dự định xây dựng năng lực quân sự cho Ấn Độ và từng bước đưa quốc gia này từ vị trí là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới chuyển sang thành nhà sản xuất vũ khí có tiếng.
Vấn đề đang được đưa ra thảo luận hiện nay là một bản đề xuất được nội bộ Chính phủ mới của Ấn Độ đưa ra nhằm nâng cao nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó cho phép các công ty nước ngoài làm chủ hoàn toàn một số dự án quốc phòng.
Theo Harsh Pant, một giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế tại King's College London (một trường đại học của Anh): "Tất cả các quốc gia trên đang nỗ lực hiện thực tham vọng riêng của mình tại Ấn Độ, đặc biệt là khi có một dấu hiệu cho thấy thị trường Ấn Độ sẽ trải qua một bước chuyển đổi lớn".
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius sẽ là chính khách đầu tiên đến thăm New Delhi, ưu tiên hàng đầu của quan chức này sẽ là hoàn tất một hợp đồng trị giá 15 tỷ USD, cung cấp cho Ấn Độ 126 tiêm kích Rafale do Hãng Dassault Aviation chế tạo.
Tiếp đó, Thượng Nghị sĩ đại diện cho bang Arizona (Mỹ) John McCain theo kế hoạch cũng sẽ có chuyến thăm Ấn Độ trong tuần tới. Bang Arizona là nơi có trụ sở của Boeing và Raytheon, đây là hai trong số những doanh nghiệp quốc phòng quan trọng nhất của Mỹ. Hôm thứ Năm tuần trước, ông McCain đã phát biểu trước Thượng Viện Mỹ rằng Washington sẽ nỗ lực hỗ trợ Ấn Độ phát triển kinh tế và quân sự.
Nga mất vị thế
Một nguồn tin từ chính phủ Anh cho hay nước này có thể sẽ cử Ngoại trưởng William Hague và Bộ trưởng Tài chính George Osborne đến thăm Ấn Độ trong tháng 7. Anh vẫn nuôi hi vọng sau tiến độ chậm chạp của quá trình đàm phán hợp đồng tiêm kích Rafael. Tiêm kích Typhoon của hãng Eurofighter đã lọt vào danh sách đấu thầu cùng với Rafael, trước khi Ấn Độ tuyên bố máy bay của Pháp giành chiến thắng. Giá cả leo thang cùng với những biến động trong việc chế tạo tiêm kích Rafale đã làm phức tạp thêm quá trình đàm phán với Pháp.
Tuy nhiên, hôm thứ Năm tuần trước, theo một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hợp đồng trên có thể sẽ được hoàn tất trong chuyến thăm của Bộ trưởng Fabius và nhiều khả năng được ký kết trong năm nay. Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Pháp cho hay các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Nga vốn là nhà cung cấp vũ khí số 1 của Ấn Độ trong nhiều năm, tuy nhiên, theo tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly (Anh), năm ngoái, vị trí của Nga đã bị Mỹ soán ngôi.
Mới đây, Ngoại trưởng Ấn Độ đã thể hiện sự không hài lòng đối với Nga trước việc Moscow cung cấp các trực thăng tấn công Mi-35 cho Pakistan, một đối thủ của Ấn Độ.
Cuộc chơi 6 tỷ USD
Ấn Độ năm ngoái đã bỏ ra 6 tỷ USD để nhập khẩu vũ khí. Bản thân Ấn Độ cũng tự mình sản xuất được một số vũ khí như tên lửa đạn đạo và một số dây chuyền lắp ráp máy bay của nước ngoài.
Hôm thứ Năm tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã bật đèn xanh rằng họ đang cân nhắc thực hiện chính sách tự do hóa, trong đó cho phép các nhà sản xuất chế tạo nhiều trang thiết bị quốc phòng mà không cần cấp phép, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác với nước ngoài. Hiện tại, các công ty nước ngoài chỉ có thể đầu tư ở mức 26% vào các dự án quốc phòng khi không cam kết chuyển giao công nghệ, điều này đã cắt bỏ cơ hội của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Trước cuộc bầu cử, các nguồn tin từ Đảng Bharatiya Janata của ông Modi cho hay có một kế hoạch tăng mức vốn đầu tư trên lên tới 49%. Phil Shaw, Giám đốc điều hành của Lockheed Martin India Pvt Ltd cho biết: "Đối với những quyền sở hữu trí tuệ công nghệ cao hơn, chúng tôi sẽ đẩy mức này lên trên 50% trong trường hợp có chia sẻ công nghệ mà chúng tôi đã đầu tư đáng kể vào đó. Việc tăng từ 26-49% chưa đủ để thúc đẩy đầu tư vào đây". Hãng Lockheed Martin LMT.N đã đầu tư theo cơ chế 26% vào một liên doanh với Ấn Độ có tên Tata Advanced Systems, chuyên sản xuất các bộ phận của khung máy bay cho các máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules.
Hai quan chức Chính phủ Ấn Độ nói với hãng tin Reuters rằng Cục Chính sách và thúc đẩy công nghiệp của Ấn Độ đã cho lưu hành một tài liệu đề xuất cho phép 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào sản xuất quốc phòng. Tài liệu này gợi ý 100 % FDI vào việc sản xuất các khí tài quân sự hiện đại, và cũng đề nghị mức trần 49 % vốn đầu tư không đòi hỏi chuyển giao công nghệ, và mức trần 74 % vốn trong trường hợp nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ tri thức công nghệ.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết đầu tư nước ngoài trong ngành này sẽ giúp Ấn Độ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tiết kiệm hàng tỷ USD. Tuy nhiên, bà Sitharaman cho hay chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc tăng mức trần FDI. Quyết định này sẽ được đưa ra bởi Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Tài chính-quốc phòng Jaitley.
Các đề nghị trên cũng vấp phải sự phản đối từ phía quân đội, ngành công nghiệp Ấn Độ và một số thành viên trong đảng của ông Modi. Ông A.K. Antony, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng tại nhiệm lâu nhất Ấn Độ cho đến khi đảng Quốc đại của ông thất cử trong cuộc bầu cử quôc hội Ấn hồi tháng 5, cho rằng việc cho phép tăng cao FDI vào mảng quốc phòng là “hành động tự sát” của chính phủ mới.
Màn solo cực ấn tượng của tiêm kích Rafale
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA