Đó là thông tin được hãng thông tấn ITAR-TASS của Nga cho biết.
Cuộc tập trận Indra Nga-Ấn Độ 2014 sẽ bắt đầu vào ngày 23.9 tại khu vực Volgograd của Nga, thuộc quân khu phía Nam (Nga) vốn chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng tại biên giới giáp với Ukraine.
Nga đã chuẩn bị hẳn một "phim trường" để phục vụ cho cuộc tập trận này với các tòa nhà mô phỏng trận chiến trong thành phố.
Theo kịch bản của cuộc tập trận, quân đội Nga và Ấn Độ có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu giả định là xe của "kẻ thù" di chuyển trên đường phố và lực lượng khủng bố lẩn núp trong các tòa nhà.
Điều này sẽ giúp cải thiện kỹ năng chiến đấu của quân đội trong điều kiện tác chiến tại đô thị, một phát ngôn viên của quân khu Nam Nga, nói với hãng thông tấn ITAR-TASS hôm thứ Sáu.
Khu vực này sẽ có ba đường phố, 50 tòa nhà "dân cư" và 16 mục tiêu - là xe kẻ thù và khoảng 30 tay súng thuộc "các thành viên của các nhóm vũ trang bất hợp pháp" bên trong các tòa nhà. Những người tham gia vào cuộc diễn tập là các đơn vị bộ binh cơ giới của Nga và Ấn Độ.
Trước đó, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Pundi Raghavan Srinivasan cho biết Ấn Độ sẵn sàng để gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong vai trò một thành viên đầy đủ nếu tất cả các quốc gia thành viên đồng ý về mọi thủ tục cần thiết cho việc gia nhập của Ấn Độ.
"Ấn Độ đã gắn liền với SCO như một quan sát viên từ năm 2005 và chúng tôi đã sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trong tổ chức: trở thành một thành viên SCO. Lãnh đạo các quốc gia của SCO sẽ họp trong tháng Chín và chúng tôi hy vọng rằng tổ chức này sẽ đạt được một sự đồng thuận về quá trình mở rộng và thủ tục của nó", ông Rashaan nói.
Theo đại sứ, mặc dù Ấn Độ nhiều lần thể hiện quan tâm việc tham gia SCO, nhưng các nước thành viên trong tổ chức vẫn chưa thoả thuận được về các tiêu chuẩn cho các ứng cử viên tiềm năng gia nhập tổ chức.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được thành lập vào năm 2001 bởi các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Các quốc gia quan sát viên của tổ chức bao gồm Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan.