Kỳ 1: Việt Nam sản xuất tên lửa phòng không SPYDER - Tại sao không?
KỲ 2: Nếu sản xuất tên lửa SPYDER: Việt Nam sẽ được gì?
Mọi thứ đã sẵn sàng?
Cách đây tròn 1 năm, tháng 12 năm 2014, khi tới kiểm tra Nhà máy Z111 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP) và nhấn mạnh:
Một trong những tiền đề quan trọng để CNQP Việt Nam phát triển, đó là hành lang pháp lý đã được hoàn thiện.
Trong đó, Nghị Quyết số 06-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” của Bộ Chính trị là kim chỉ nam để xây dựng và phát triển CNQP ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội.
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP đã hoàn thành nghiên cứu soạn thảo Quy hoạch xây dựng, phát triển CNQP giai đoạn 2016-2020 và Quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp tên lửa.
Đây là những văn kiện quan trọng, chỉ đạo, định hướng chiến lược đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành CNQP.
Việc Việt Nam tiếp nhận thành công dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới từ Israel và triển khai thành công nhiều dự án nghiên cứu, chế tạo vũ khí, khí tài hiện đại cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao đã được chuẩn bị từ sớm và bài bản.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, CNQP Việt Nam đã được ưu tiên đầu tư lớn, có trọng tâm về cơ sở vật chất cũng như công nghệ hiện đại nhằm "đi tắt đón đầu", nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.
CNQP đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược thuộc trang bị của sư đoàn bộ binh, các loại khí tài quang học, kính nhìn đêm, máy thông tin cấp chiến thuật...
Đặc biệt, CNQP nước ta đã sản xuất được súng bộ binh thế hệ mới; các loại vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển; làm chủ công nghệ lắp ráp tên lửa phòng không tầm thấp, đóng mới các tàu quân sự hiện đại.
Sẽ tuyệt vời nếu trong tương lai, Việt Nam không chỉ nhập nguyên bộ mà còn tiến thêm một bước là sức tiếp nhận và triển khai nghiên cứu chế tạo thành công tên lửa phòng không hiện đại như SPYDER như đã từng làm với súng bộ binh Galil ACE.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Dan Harel ký bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Israel.
Được nhiều thứ...
Ttrong chiến tranh hiện đại chỉ có tự chủ sản xuất được vũ khí trang bị, hoặc chí ít cũng phải tự đảm bảo kỹ thuật cho các loại vũ khí có trong biên chế thì mới đảm bảo cho chiến đấu lâu dài, đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch.
Nếu phải nhập khẩu 100% vũ khí từ nước ngoài thì chắc chắn giá thành sẽ rất đắt và đối mặt với những rủi ro ngoài tầm kiểm soát và phải phụ thuộc vào đối tác cung cấp trong suốt vòng đời của vũ khí.
Đó là chưa kể khi hỏng hóc hay nâng cấp, cải tiến sẽ mất khá nhiều thời gian và chiếm một nguồn kinh phí không nhỏ.
Những kinh nghiệm quý rút ra được từ công tác đảm bảo kỹ thuật và cải tiến tên lửa phòng không trong Chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc cho thấy, chỉ có cải tiến và cải tiến liên tục thì mới giúp bộ đội tên lửa đánh thắng, bắn rơi nhiều máy bay địch.
Tất nhiên, thành tích đáng nể đó có sự đóng góp của cả những nhà khoa học Việt Nam và chuyên gia Liên Xô.
Trong tình hình mới hiện nay, muốn làm được điều đó, ta phải làm chủ được những công nghệ cốt lõi mang tính nền tảng để không bị quá phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Tự sản xuất đồng nghĩa với việc tiết kiệm được chi phí rất lớn so với nhập nguyên bộ.
Nếu muốn nâng cấp hay cải tiến như thế nào, vào lúc nào đều trong tầm tay. Qua đó, rút ngắn thời gian sửa chữa, nâng cấp và giảm được chi phí.
Đồng thời, chỉ có tự chủ ta mới giữ được bí mật về số lượng, tính năng và hệ số sẵn sàng chiến đấu của vũ khí trang bị, không để đối phương khai thác, không chế hoặc vô hiệu dẫn tới mất sức chiến đấu hoặc chiến đấu không hiệu quả.
Hai phiên bản tên lửa phòng không SPYDER tầm gần (trái) và tầm trung.
Mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc làm chủ công nghệ sản xuất, lắp ráp tên lửa phòng không tầm thấp thế hệ mới, nhưng để tiến tới nghiên cứu, lắp ráp, sản xuất các loại tên lửa phòng không tầm trung hiện đại là cả một bước ngoặt lớn không hề dễ dàng.
Bởi lẽ, SPYDER là hệ thống tên lửa phòng không thuộc loại ưu việt nhất thế giới, được cấu thành nên bởi rất nhiều công nghệ tiên tiến ở trình độ rất cao. Chắc chắn không thể ngày một ngày hai ta có thể tự sản xuất hoàn toàn loại tên lửa này.
Đồng thời, nếu nhận chuyển giao sâu ngay từ đầu sẽ đòi hỏi một kinh phí đầu tư rất lớn trong khi nguồn ngân sách nước ta còn tương đối hạn hẹp, khó có thể đáp ứng ngay được.
Tuy nhiên, với những bước đi bài bản, tiếp nhận công nghệ theo từng giai đoạn, làm đến đâu chắc đến đấy, phù hợp với trình độ của Việt Nam, thì trong tương lai không xa, chúng ta có thể hy vọng một loại tên lửa phòng không hiện đại "Made in Vietnam" đúng nghĩa.
Từ nền móng ban đầu đó, không chỉ một mà có thể là rất nhiều loại tên lửa khác nhau sẽ nối tiếp ra đời, không những đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội, tạo ra thế trận phòng không “hiểm hóc, vững chắc, liên hoàn, có trọng điểm, có chiều sâu”.
Bên cạnh đó, nếu tạo được cú hích lớn để các đơn vị nghiên cứu ngoài quân đội cùng tham gia có thể thu hút được không chỉ nguồn nhân lực, nguồn vốn mà còn phát triển được những công nghệ lưỡng dụng nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế, kỹ thuật.