Theo thông báo chính thức trên Twitter của phái đoàn thường trực Nga tại NATO ngày 27/8 nêu rõ: “Moscow sẽ hành động trước động thái NATO mở rộng về phía Đông nhằm đảm bảo an ninh Liên bang Nga”.
Tuyên bố này được Nga đưa ra một ngày sau khi Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen, tại cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, cho biết NATO nghiêm túc xem xét kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự về phía Đông.
Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen khẳng định, ông sẽ cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa các thành viên trong NATO về vấn đề căn cứ quân sự gần biên giới Nga tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Cardiff, xứ Wales, (dự kiến diễn ra trong hai ngày 4 và 5/9).
Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận
Trước đó, hôm 25/8, một số nước NATO, bao gồm Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia chính thức kêu gọi các thành viên khác của khối này đặt Nga làm mục tiêu của hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo mà Mỹ triển khai ở châu Âu để bảo vệ Liên minh châu Âu (EU).
Theo các quan chức Nga, “NATO dường như đang xem Nga là kẻ thù”, đồng thời nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ thường trực của NATO là các vấn đề về an ninh quốc tế, chứ không phải xoa dịu các đồng minh ở phía Đông.
Mặc dù ông Anders Fogh Rasmussen thông báo về kế hoạch mở rộng căn cứ của NATO, nhưng kế hoạch này có thực hiện được hay không lại là vấn đề khác.
Được biết, vấn đề thiết lập các căn cứ của NATO ở phía đông châu Âu không nhận được sự ủng hộ nhất quán trong liên minh. Pháp, Ý, và Tây Ban Nha phản đối sáng kiến này, trong khi Mỹ và Anh ủng hộ đề xuất tăng cường quân đội ở phía đông châu Âu.
Đức cũng phản đối việc triển khai các căn cứ mới tại châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần nói rằng Hiệp ước Nga - NATO ký kết năm 1997 vẫn còn hiệu lực.
Hiệp ước trên đã chính thức kết thúc sự thù địch giữa Nga và NATO. Với thỏa thuận đó, Moscow khẳng định rằng phương Tây đã cam kết không thiết lập bất kỳ căn cứ quân sự nào tại các quốc gia thuộc khối Đông Âu, vốn gia nhập NATO sau khi Liên Xô sụp đổ.
Các nguồn tin cho hay hội nghị thượng đỉnh tới đây của NATO tại Cardiff, Anh sẽ tránh sử dụng từ “thường trực” để miêu tả các căn cứ mới, nhưng sự hiện diện ở phía đông châu Âu nhiều khả năng sẽ sớm bắt đầu. Thành phố cảng Szczecin của Ba Lan có thể sẽ là nơi đặt trụ sở cho các căn cứ mới.