Để bổ sung sức mạnh cho lưới lửa phòng không, Syria đã đặt mua hệ thống S-300 của Nga từ năm 2011 với giá 1 tỷ USD.
Đầu tháng 8/2013, công ty sản xuất S-300 cho Syria đã tuyên bố hoãn lại kế hoạch chuyển giao hệ thống này cho Syria đến tháng 6/2014 mặc dù đã sản xuất xong.
Điều này là một thiệt thòi cho Syria khi phải đối diện với một trận mưa Tomahawk trong một vài ngày tới, tuy nhiên, nếu có S-300, liệu Syria có thể cứu vãn được tình hình?
S-300 của Nga được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất hiện nay.
Được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1970 để thay thế cho hệ thống tên lửa SAM thế hệ đầu tiên, S-300 là một tổ hợp tên lửa di động, hoạt động theo nguyên tắc "bắn-quên", dễ sử dụng, được thiết kế để đẩy lùi các cuộc không kích lớn.
S-300 có tầm bắn từ 5-150km, radar của hệ thống có khả năng theo dõi 100 mục tiêu và bám sát chặt 12 trong số đó. Xác suất đánh chặn thành công máy bay của S-300 được phía Nga đánh giá là đạt 80-93% trong một lần khai hỏa.
Hiện nay, vẫn chưa có một loại máy bay nào có thể bay nhanh hơn tên lửa này (tốc độ di chuyển 7.200 km/h). Không những thế, các phiên bản cải tiến mới nhất của S-300 còn có thể đánh chặn máy bay chiến đấu và tên lửa bay thấp, như ở độ cao 6.000m. Ngoài ra, tia chiếu hẹp giúp radar của S-300 không dễ lộ, đồng thời cũng khó bị gây nhiễu.
Để phòng thủ trước máy bay, S-300 là một mặt hàng khiến người dùng hoàn toàn yên tâm. Đó là lý do Israel phản đối kịch liệt việc Nga chuyển S-300 tới Syria, trong khi Israel vẫn không kích Syria đều đặn bằng máy bay.
Tuy nhiên, nếu phải đối diện với tên lửa hành trình Tomahawk, S-300 có thực sự hiệu quả?
Không phải ngẫu nhiên mà tên lửa Tomahawk được mệnh danh là “sứ giả chiến tranh” của Mỹ. Tomahawk hội tụ nhiều công nghệ đỉnh cao của thế giới trong việc dẫn đường, chỉ thị và tấn công mục tiêu.
Hệ thống dẫn đường của Tomahawk có thể coi là một chuẩn mực đối với tên lửa hành trình hiện đại. Cơ chế dẫn đường của Tomahawk rất phức tạp và phối hợp nhiều công nghệ dẫn đường khác nhau, các hệ thống này bổ sung cho nhau nhằm tăng độ chính xác khi tác chiến.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ GPS từ vệ tinh cho phép cung cấp thông tin chính xác về vị trí của tên lửa trên quỹ đạo bay, đồng thời kết nối với nhiều phương tiện giám sát khác nhau trên mặt đất. Nôm na, Tomahawk không khác gì một chiếc UAV đầy thông minh.
Tomahawk còn sở hữu khả năng làm nhiễu radar cực tốt, và nên nhớ, đây chỉ là một quả tên lửa, có kích thước nhỏ hơn nhiều lần một chiếc tiêm kích hay cường kích. Để thực hiện xác định, khóa mục tiêu và ngắm bắn thực sự là một điều khó khăn.
Đặc biệt, tầm bay thấp của loại tên lửa này (khoảng 100m) thực sự là một thách thức với mọi hệ thống tên lửa phòng không, bởi nguyên lý hoạt động của tên lửa đất đối không (bao gồm cả S-300) không cho phép đầu đạn bám đuổi tomahawk ở tầm bay như vậy.
Có thể nói, dấu ấn của Tomahawk trong những cuộc chiến của Mỹ thời gian gần đây cho thấy đây là một vũ khí thực sự hiệu quả, đặc biệt trong chiến tranh thế giới hiện đại.
Cũng cần biết rằng, Mỹ là bậc thầy trong chiến thuật “áp chế phòng không đối phương SEAD”. Nếu sử dụng radar để sục sạo Tomahawk, rất có thể S-300 sẽ phơi mình thành bia ngắm, nếu không sử dụng radar, việc phát hiện tên lửa này là không thể.
Trong khi đó, khả năng thực chiến của S-300 vẫn chưa được kiểm nghiệm. Thế giới đã được chứng kiến nhiều “bia bay” giả định mục tiêu là máy bay, tên lửa tầm cao bị S-300 hạ gục dễ dàng. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của S-300 là phòng thủ trước những đối tượng có tầm bay thấp như Tomahawk..
Những nhà sản xuất của Nga đã không ngừng nghiên cứu để sửa chữa gót chân Asin này. Hồi đầu năm 2013, Trung tá Aleksandr Gordeyev thông báo trên truyền thông của quân khu miền Đông rằng S-300 của Nga lần đầu tiên bắn hạ tên lửa hành trình tầm bay thấp.
Tuy nhiên, đấy là với hệ thống đang được nghiên cứu, còn những S-300 đã sản xuất và xuất khẩu? Liệu đứng trước các tên lửa hành trình tầm bay thấp có trở thành một con hổ giấy?
Trong bối cảnh Syria, những tưởng S-300 sẽ được một dịp thể hiện mình, nhưng quả đáng tiếc khi Syria chưa được sở hữu hệ thống này.
Đến S-300 còn chưa tự tin khi đối diện với Tomahawk, phải chăng quân đội Assad đã “hết cửa” trước cuộc không kích của Mỹ - Anh trước mắt?
Từ khi có thông tin Mỹ sẽ không kích Syria bằng tên lửa hành trình, theo dõi diễn biến của báo chí thế giới, chưa một lần Tổng thống Assad lên tiếng đòi S-300.
Sở dĩ như vậy bởi quân đội Syria đang nắm giữ một vũ khí diệt tên lửa tầm thấp lợi hại: Pantsir S1.
Pantsir S1 là sự kết hợp giữa 2 pháo bắn siêu nhanh 2A38M 30mm, pháo này có tốc độ bắn lên đến 2500 viên/phút, phạm vi tiêu diệt mục tiêu 4km cùng 12 tên lửa đánh chặn 57E6 hoặc 57E6-E. Đây là một tên lửa nhiên liệu rắn 2 giai đoạn được dẫn hướng bằng vô tuyến.
Hiện tại, Syria đã có thể đoán định được mục tiêu của liên quân Mỹ - Anh và điểm xuất phát của đại đa số tên lửa này, việc bố trí lưới lửa tầm thấp bủa vây Tomahawk sẽ hoàn toàn có thể thực hiện.
Ngoài ra, quân đội Assad còn có hệ thống tên lửa SA-8, SA-11, Buk-M2E. Syria còn sở hữu một đội ngũ pháo phòng không khoảng 4.000 khẩu và đa dạng về cỡ nòng từ 23 – 100mm.
Dù đang sở hữu vũ khí trong tay, một điều chắc chắn Tổng thống Assad chỉ còn cách mang tất cả ra để chơi nước cờ cuối cùng với Mỹ.
Tuy nhiên, trước những cuộc không kích của Israel, Syria phản ứng bị động và yếu ớt, vậy đứng trước sức mạnh của nhà vô địch, như một vị tướng của Anh đã nói: “chỉ có thể là kỳ tích nếu Assad còn trụ được”.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!