Hiện tại, liên minh 28 nước trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có một lực lượng phản ứng nhanh. Tuy nhiên trong cuộc họp thương đỉnh của khối ở xứ Wales vào ngày 4 và 5/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra quyết định thành lập một lực lượng mới, có khả năng phản ứng nhanh hơn với cuộc khủng hoảng.
Sáng kiến này được các nước NATO bắt đầu quan tâm sau khi chứng kiến khả năng quân đội Nga tiếp quản chớp nhoáng bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2014. Lực lượng phản ứng nhanh được thành lập để ứng phó với những tình huống khẩn cấp tương tự.
Trong một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết lực lượng phản ứng nhanh có quân số khoảng vài nghìn quân và sẵn sàng thực thi nhiệm vụ với không quân, hải quân và đặc nhiệm.
Vũ khí cung cấp cho lực lượng này sẽ được lưu giữ tại các căn cứ quân sự ở Đông Âu. Một số lượng lớn binh sĩ Anh dự kiến sẽ tham gia lực lượng.
Một quan chức cấp cao NATO xin giấu tên cho biết quy mô của lực lượng phản ứng nhanh có thể dao động từ quân số nhỏ đến cấp lữ đoàn. Một lữ đoàn của NATO thường có quân số từ 3.000 - 5.000 quân
Hiện tại, lực lượng phản ứng nhanh của NATO phải mất đến 5 ngày để triển khai còn lực lượng mới có thể được gửi đến các điểm nóng chiến sự chỉ trong vòng 48 giờ.
Động thái mới này của NATO nằm trong hàng loạt các biện pháp mà khối sẽ nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh để răn đe Nga trong cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Một cuộc tấn công quân sự xâm phạm lãnh thổ của bất kỳ thành viên nào trong khối cũng sẽ dẫn đến sự tham chiến của tất cả các quốc gia còn lại.
Ukraine hiện vẫn chưa phải là thành viên NATO nhưng Kiev luôn muốn tham gia vào khối, nhất là sau cuộc khủng hoàng ở miền đông đất nước. Kiev cáo buộc Nga thường xuyên gửi quân đội, xe tăng và pháo cho phe ly khai.
Sắp tới, NATO vẫn sẽ tiếp tục gửi các chiến đấu cơ đến vùng biển Baltic và đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự tại các nước đông Âu.
Các thành viên NATO đang cố gắng cải thiện khả năng hợp tác tình báo và khả năng ứng phó với các loại chiến tranh kết hợp mà Nga đang sử dụng ở Ukraine. Các quan chức NATO cho biết chúng bao gồm âm mưu lật đổ, tấn công mạng và tung thông tin giả mạo.