Sự phát triển mạnh mẽ của các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao, đặc biệt là tên lửa hành trình có độ cao hoạt động tương đối thấp, khó phát hiện từ xa, đã đặt ra những thách thức lớn cho nhiệm vụ phòng không.
Trong các loại radar cảnh giới dùng cho tổ hợp S-300, ngoài 64N6E, 96L6E, 76N6 còn có 36D6. Xét về nhiệm vụ 76N6 Clam Shell và 36D6 Tin Shield tương tự nhau, đều là những radar chuyên bắt thấp.
Trước đó, Việt Nam đã chọn radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6E cho tổ hợp S-300PMU1 và trong cuộc diễn tập thực binh DK-13, hình ảnh đài radar 36D6 bất ngờ được công bố.
Vậy vì sao Việt Nam chọn radar này mà không phải là 76D6 Clam Shell có đặc tính tương tự?
Khả năng kháng nhiễu tốt
Đài 36D6 Tin Shield thuộc loại radar giám sát không phận, được thiết kế để sử dụng như một thành phần của hệ thống phòng không tích hợp.
Tin Shield có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) nhỏ, bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và nhiễu thụ động mạnh.
Đây là một radar di động 3 tham số, hoạt động ở băng tần S, với dải tần từ 2700 - 2900 MHz, có thể làm việc một cách độc lập trong vai trò giám sát không phận, phát hiện địch - ta, bám bắt các mục tiêu bay thấp và rất thấp.
Đài 36D6 cung cấp tham số mục tiêu cho các hệ thống tên lửa phòng không, hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt.
Ăng ten và buồng điều khiển được đặt trên khung gầm xe đầu kéo Kraz-255 hoặc Kraz-260, mang lại khả năng cơ động cao. Khi cần thiết, ăng ten có thể triển khai trên tháp 40B6M1 với chiều cao 23 mét nhằm tăng cường năng lực bắt thấp của hệ thống.
Ưu điểm của đài 36D6 là có khả năng kháng nhiễu chủ động và nhiễu thụ động rất cao. Mục tiêu trước tiên được lọc qua thiết bị xử lý dữ liệu thô, cho phép loại bỏ các mục tiêu giả trong môi trường lộn xộn.
Tiếp đến, bộ vi xử lý kỹ thuật số sẽ nhận diện đối tượng một cách chính xác với đầy đủ 3 tham số. Radar có thể theo dõi cùng lúc 120 mục tiêu, trong đó 30 - 60 mục tiêu được xử lý trong chế độ tự động.
Các dữ liệu được hiển thị trên màn hình dưới dạng ký tự số, tạo thuận lợi cho kíp vận hành trong việc đọc thông tin. Tính năng này cho phép lựa chọn đúng mục tiêu nguy hiểm nhất trong các đợt tập kích đường không quy mô lớn.
Xử lý đồng thời nhiều mục tiêu, khả năng bắt thấp tốt là lý do để Việt Nam chọn radar 36D6 cho tổ hợp S-300.
Tầm trinh sát xa, hoạt động tin cậy
Đài 36D6 có thể được điều khiển từ xa trong quá trình hoạt động, nó có một hệ thống kiểm tra tích hợp giúp phát hiện và loại bỏ các lỗi kỹ thuật của tổ hợp.
Một ưu điểm khác của radar 36D6 so với 76N6 là khả năng quét chùm tia điện tử ở độ cao từ -20o - +30o, tốc độ quét 360o trong vòng 5 - 10 giây.
Radar 36D6 phát hiện, bám bắt được mục tiêu có RCS 0,1 m2 từ khoảng cách 27 - 80 km tùy thuộc vào độ cao:
Với mục tiêu có RCS 1 m2 bay ở độ cao 50 mét, tầm trinh sát là 31 km; ở độ cao 100 mét, tầm trinh sát là 46 km. Nếu mục tiêu ở độ cao trên 1.000 mét, tầm trinh sát từ 110 - 115 km; còn khi mục tiêu ở độ cao từ 6 - 18 km, tầm trinh sát đạt tới 147 - 175 km.
Sự có mặt của radar 36D6 trong tổ hợp phòng không S-300PMU1 cho phép lực lượng phòng không Việt Nam đối phó hiệu quả với các mục tiêu đường không tầm thấp.
Radar cảnh giới bắt thấp 36D6 kết hợp với đài nhìn vòng mọi độ cao 96L6E tạo nên bộ đôi lý tưởng trong việc phát hiện, bám bắt, tiêu diệt các mục tiêu như tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và cực thấp.