Dây chuyền sản xuất tại các nhà thầu quân sự chuyên chế tạo, lắp ráp chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 có thể ngưng lại do những trục trặc liên quan đến tiêm kích F-35.
Thế nhưng điều đó cũng không quá đáng lo: Lầu Năm góc đang đổ tiền vào 3 dự án nghiên cứu, phát triển các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.
Chưa kể khoản ngân sách dành cho phát triển máy bay ném bom chiến lược mới, máy bay không người lái tàng hình cất, hạ cánh trên tàu sân bay.
Không quân Mỹ hướng tới mục tiêu mới. Ảnh: Northrop Grumman
Kết hợp lại, những bước đi này sẽ tạo ra một lực lượng “không quân vô hình” thống nhất của quân đội Mỹ.
Những máy bay tàng hình mới sẽ tạo cho không quân Mỹ khả năng chiến đấu vượt trội, nhất là khi nó được tích hợp một loạt các công nghệ, vũ khí mới như súng điện từ, súng laser…
Ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2016 được công bố hôm 2/2 có khoản chi cho dự án mới mà Lầu Năm góc gọi là “Sáng kiến cải tiến không gian” (AII).
Chương trình này do Cơ quan phát triển các dự án nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (DARPA) - tổ hợp nghiên cứu quân sự hàng đầu của Quân đội Mỹ, đảm trách.
Trọng tâm của dự án là phát triển một loại chiến đấu cơ tàng hình “bí ẩn” (X-plane).
X-plane sẽ được tích hợp các công nghệ mới mà cũng có thể được dùng trong các máy bay tàng hình hiện đại của không quân và hải quân. Nó sẽ là “người kế nhiệm” của F-22 Rator - máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.
Dựa trên thành công của X-plane, các tổ hợp quân sự cũng sẽ phát triển máy bay mới, thay thế cho loại F/A-18 Super Hornet của hải quân, vốn được xem là tiêm kích thế hệ thứ 4.
Đề xuất ngân sách mới cũng bao gồm khoản tiền cho các chương trình phát triển của không quân và hải quân; tạo ra 3 chương trình trong tổng thể dự án phát triển thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình mới do DARPA thực hiện.
Số tiền chưa được công bố chính thức, nhưng chương trình của DARPA hướng đến việc phát triển các công nghệ mới vượt trội, giúp không quân Mỹ đánh bại được các “đối thủ” Nga và Trung Quốc.
Giới tướng lĩnh Lầu Năm góc gần đây tỏ ra quan ngại trước việc các tiêm kích tàng hình mới nhất của Mỹ như F-22 hay F-35 không đủ sức “sống sót” trước các chủng loại vũ khí, trang bị phòng không hiện đại mà Nga và Trung Quốc đang phát triển.
Nguyên do chính là việc hai loại chiến đấu cơ này có thể bị các radar tần số thấp định vị, theo dõi, truyền lệnh tấn công.
Cùng lúc, Lầu Năm góc tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển khoảng 80 - 100 máy bay ném bom chiến lược mới, trị giá 550 triệu USD/chiếc, thay thế cho B52, B-1 Lancer.
Máy bay ném bom tầm xa này dự định sẽ được đưa vào biên chế sau năm 2020. Không tiết lộ chi tiết, giới chức quân sự Mỹ chỉ mô tả đó là loại tàng hình, siêu thanh, được trang bị tên lửa hành trình tầm xa.