Mỹ vẫn phải dùng động cơ tên lửa đẩy vệ tinh quân sự của Nga

Anh Tuấn |

Mới đây các quan chức Mỹ thừa nhận, phải mất nhiều năm nữa việc thay các động cơ tên lửa rẻ nhưng công suất lớn do Nga sản xuất để phóng vệ tinh quân đội Mỹ bằng “hàng nội” mới trở thành hiện thực.

Hiện tại, Không quân Mỹ có hợp đồng với một công ty tên United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa tập đoàn Lockheed Martin và Boeing nhằm phóng vệ tinh quân sự.

ULA sử dụng hai dòng tên lửa chính là Delta và Atlas, trong đó Atlas sử dụng động cơ dầu hỏa RD-180 của Nga.

Tên lửa của Mỹ hiện nay đang sử dụng động cơ RD-180 do Nga sản xuất.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và khiến quan hệ giữa nước này và NATO trở nên căng thẳng, các nghị sĩ Mỹ gấp rút tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc của Lầu Năm Góc đối với các công nghệ của Nga trong các chương trình an ninh quốc gia.

Nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch của Ủy ban Lực lượng Vũ trang Chiến lược thuộc Hạ viện Mỹ đã lên tiếng: “Chúng ta không cần loại tên lửa mới, mà cần một động cơ mới”.

Tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định chi 220 triệu USD nhằm phát triển một loại động cơ thay thế RD-180. Trong tương lai, chính phủ có thể tiếp tục cung cấp ngân sách cho dự án này.

Tuy nhiên, thời điểm một động cơ sản xuất tại Mỹ cho tên lửa Atlas V sớm nhất là vào thập kỷ tới. Các công ty đang cạnh tranh để chế tạo động cơ thay thế RD-180 thừa nhận rằng, việc thử nghiệm công nghệ và chứng nhận sẽ phải mất nhiều năm.

Công ty hàng không Blue Origin LLC cho biết đã chi một khoản tiền lớn nhằm phát triển một mẫu thiết kế thử nghiệm, có tên là BE-4, dự kiến sẽ bay thử vào năm 2019.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất của nhà cung cấp động cơ tên lửa chính của Mỹ là Aerojet Rocketdyne, theo lời một quan chức. đang bị chậm 16 tháng so với dự tính. Dù vậy, hệ thống động cơ đẩy AR-1 sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian này.

Tướng John Hyten, chỉ huy một Bộ Tham mưu thuộc Không quân Mỹ nhận định, các động cơ còn phải mất 1 hoặc 2 năm để hoàn thành quá trình cấp chứng nhận. Do đó, ít nhất là phải đến năm 2021, tên lửa Atlas 5 mới có động cơ thay thế.

Cho đến bây giờ, động cơ RD-180 vẫn được nhập khẩu vào Mỹ. ULA có thể sẽ mua thêm ít nhất 29 chiếc nữa để có thể đầu tư phát triển tên lửa mới có tên là Vulcan, được thiết kế nhằm cạnh tranh với các sản phẩm chính phủ và thương mại hiện nay.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang DefenseTech.org , một trang tin chuyên về những công nghệ quân sự của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại