Tờ Daily Beast (Mỹ) đăng bài viết cho hay: Bức màn bí mật bao phủ dự án máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Mỹ, còn được gọi với tên LRS-B, là chưa từng có tiền lệ kể từ sau Chiến tranh lạnh. Nhưng sự bí mật này cũng có thể gây hại cho chính bản thân dự án.
Với ngân sách vào khoảng 55 tỷ USD, dự án khổng lồ này sẽ trở thành tâm điểm của những cuộc thảo luận về ngân sách trong vài tháng tới nhưng chúng sẽ diễn ra hoàn toàn trong bí mật. Dự kiến đến đầu năm 2015, hoặc hãng Northrop Grumman hoặc liên danh Boeing/Lockheed Martin sẽ được chọn để trở thành nhà thầu sản xuất máy bay ném bom mới này.
Có không thiếu những tin đồn liên quan đến dự án mới, như "máy bay lạ" bị phát hiện bay bên trên thành phố Amarillo, Texas, những tòa nhà mới được xây dựng tại khu đồng muối Groom Lake, nằm ở phía bắc "Vùng 51" nổi tiếng, và những hoạt động bí mật tại căn cứ không quân Edwards, California. Tuy nhiên, thông tin chính thức mà công chúng được biết cho đến nay rất ít ỏi, như số lượng máy bay dự kiến là từ 80-100 chiếc, mốc thời gian đưa máy bay vào hoạt động là 2025, và giá thành mỗi chiếc là khoảng 550 triệu USD.
LRS-B là nỗ lực thứ 2 của Mỹ để phát triển loại máy bay ném bom mới, kế tục chiếc B-2. Trước đó là chương trình NGB, với mốc thời gian dự kiến để đưa vào sử dụng là năm 2018. Chương trình này bị hủy vào năm 2009. Nhưng LRS-B chắc chắn sẽ tận dụng những công nghệ đã được nghiên cứu trong NGB.
Khác với NGB, LRS-B được thiết kế như là một phần của 1 hệ thống các loại vũ khí bổ sung cho nhau thay vì chỉ là dạng "siêu vũ khí". Dự án sử dụng những thành tựu mới trong công nghệ tàng hình để vô hiệu hóa các radar bước sóng dài. So với chương trình NGB trước đó, LRS-B đã thu gọn lại kích thước và giảm bớt các yêu cầu đặc tính kỹ thuật để giảm rủi ro và tăng tính khả thi.
LRS-B được bảo vệ bí mật còn chặt chẽ hơn cả ATF, dự án chế tạo F-22. Công chúng biết đến sự tồn tại của các mẫu thiết kế thử nghiệm của ATF 5 năm trước khi mẫu cuối cùng (sau này trở thành F-22) được chọn. Những mẫu này cũng được công bố ngay trước thời điểm chọn thiết kế cuối cùng đó.
Mức độ bí mật của LRS-B có lẽ chỉ có thể so sánh được với 2 chương trình khác là B-2 Spirit và A-12 Avenger II. A-12 là máy bay cường kích của hải quân Mỹ để sử dụng trên tàu sân bay. Nó được thiết kế với những yêu cầu rất cao, như tầm hoạt động xa và sức tải vũ khí lớn hơn cả những máy bay ném bom hạng nặng thời Thế chiến thứ 2, và do do đó dự án bị hủy khi chưa kịp hoàn thành.
A-12 là một dự án đầy tham vọng của hải quân Mỹ
Dự án B-2 được hoàn thành nhưng trễ hạn và đội chi phí, do nó được thiết kế với yêu cầu nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, xâm nhập sâu vào lãnh thổ Liên Xô và tấn công các mục tiêu chiến lược ở độ cao thấp, một nhiệm vụ mà nó chưa bao giờ và có lẽ cũng không bao giờ phải thực hiện.
Cả 2 dự án trên đều gặp vấn đề do chỉ có một số rất ít người biết và ra những quyết định liên quan đến dự án. Vì vậy những quyết định này có thể không chính xác do thiếu thảo luận và phản biện.
Giữ bí mật để bảo vệ các chi tiết kỹ thuật là điều cần phải làm. Như đối với máy bay tàng hình, những thông tin đơn giản như hình dạng và kích thước cũng có thể tiết lộ rất nhiều về tính năng, đặc tính kỹ thuật của máy bay và có thể được dùng để phát triển các biện pháp đối phó.
Nhưng bên cạnh đó, giữ bí mật quá chặt chẽ cũng có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Ngân sách quốc phòng Mỹ tuy nhiều nhưng không phải là vô hạn, và luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quân chủng, các chương trình phát triển vũ khí để tìm nguồn ngân sách cho riêng mình. Do đó, hầu như mọi chương trình phát triển máy bay ném bom từ trước đến giờ luôn chịu sự chỉ trích từ nhiều phía, như những người muốn có thêm chiến đấu cơ thay vì máy bay ném bom, những người muốn đóng thêm tàu chiến, hay những người muốn đầu tư vào lính bộ binh thay vì không quân…
Trong hoàn cảnh đó, những người ủng hộ chương trình máy bay ném bom rất khó chứng minh lợi ích và sự cần thiết của chương trình vì không có thông tin, hoặc nếu có thì không được phép công bố.
Tần số dự định được sử dụng cho radar của B-2 từng vô tình bị bán cho các công ty tư nhân sử dụng trong mục đích thương mại mà không hề biết rằng đó là bí mật quân sự. Người Mỹ phải bỏ ra hơn 1 tỷ USD để tái trang bị máy bay cho phù hợp với tần số mới. Theo Daily Beast, điều này đáng lẽ đã không xảy ra nếu không có các yêu cầu bảo mật quá nghiêm ngặt.