Theo bản báo cáo, trước đây, Trung Quốc thường đặt mua các loại tên lửa hành trình từ Nga, tuy nhiên trong vài năm gần đây, Quân đội Trung Quốc đã mua một số lượng đáng kể các hệ thống tên lửa hành trình nội địa. Hiện nay, Trung Quốc đã có trong tay một số lượng đáng kể các hệ thống tên lửa hành trình, trong đó, Quân đoàn Pháo binh số 2 có tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10, Hải quân Trung Quốc có tên lửa hành trình chống tàu có thể phóng từ tàu chiến hoặc từ mặt đất YJ-62, còn Không quân Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất YJ-63 và CJ-20.
Bản báo cáo nhận định với số lượng lên tới 500 tên lửa, triển khai trên 40-55 bệ phóng ba ống phóng, di động của Quân đoàn Pháo binh số 2, tên lửa chiến lược CJ-10 của Trung Quốc có thể làm dấy lên mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản, bởi tầm bắn của chúng có thể lên tới trên 1.500km. Về mặt lý thuyết, tầm bắn này có thể đe dọa toàn bộ quần đảo trọng yếu của Nhật Bản.
Thêm vào đó, 100 máy bay tiêm kích-ném bom JH-7 và 30 máy bay ném bom H-6M của Hải quân Trung Quốc được trang bị các tên lửa hành trình chống tàu. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chúng có bán kính tấn công hơn 1.500km. Trong khi đó, Không quân Trung Quốc có một số lượng nhỏ các máy bay ném bom H-6 đủ khả năng tấn công các mục tiêu xa xôi như đảo Guam của Mỹ.
Theo bản báo cáo, các loại tên lửa tiên tiến có ý nghĩa chiến thuật và chiến lược quan trọng, như về mặt kỹ thuật, tên lửa hành trình sẽ khó đánh chặn hơn tên lửa đạn đạo bởi chúng có thể tấn công từ bất cứ góc độ nào hoặc bay ở các độ cao thấp. Tên lửa hành trình cũng chính xác và rẻ hơn so với tên lửa đạn đạo, bởi chúng có kích thước tương đối nhỏ, có thể phóng bằng nhiều phương thức khác nhau, thêm vào đó là khả năng tàng hình và cơ động cao.