Hải quân Mỹ hy vọng sẽ bắt tay vào việc phân tích các phương án khả thi cho dự án máy bay F/A-XX thế hệ tiếp theo vào năm 2015, nhằm thay thế các tiêm kích hạm “Siêu Ong Bắp Cày” F/A-18E/F Super Hornet của Boeing.
Theo đó, loại máy bay mới cùng các hệ thống đi kèm dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2035.
“Chúng tôi hiện đang tiến hành công việc nghiên cứu để định hình về loại máy bay mà chúng tôi sẽ đầu tư, đồng thời phân tích các giải giáp thay thế”, Chuẩn đô đốc Mike Manazir cho biết, “Bắt đầu năm tài khóa 2015, chúng tôi sẽ xúc tiến phân tích các phương án thay thế, và sau đó sẽ bắt đầu quy trình trang bị một máy bay mới vào năm 2030”.
Hiện tại, Hải quân Mỹ chưa định hình được máy bay F/A-XX sẽ như thế nào, tuy nhiên, họ đang tính toán các tính năng mà loại máy bay mới cần có hoặc có thể giảm bớt. Chẳng hạn, ngoài vai trò tiêm kích hạm, Super Hornet còn được sử dụng như là một máy bay tiếp dầu. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, nếu máy bay trinh sát và tấn công không người lái (UCLASS) có thể đảm nhiệm vai trò này và chúng được trang bị đủ số lượng thì FA-XX sẽ không cần phải thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu trên không.
Những tính năng cơ bản của FA-XX được Hải quân Mỹ định hình như sau: FA-XX phải có khả năng mang tên lửa, có đủ sức mạnh và hệ thống làm mát để phóng những loại vũ khí sử dụng năng lượng trực tiếp. Đặc biệt, FA-XX phải có khả năng “cảm nhận” được những mục tiêu có khả năng tàng hình cao nhất, đồng thời có thể tương thích với việc sử dụng chiến tranh mạng ở cấp độ chiến thuật. Hải quân Mỹ sẽ phát triển chiến đấu cơ F/A-XX sau khi đã nắm chắc về khả năng tác chiến của tiêm kích F-35C và các UCLASS.
Đồ họa máy bay F/A-XX do Boeing thiết kế
Song song với Hải quân Mỹ, Không quân Mỹ cũng đang xúc tiến phương án phát triển máy bay F-X để thay thế F-22 Raptor.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Không quân, trong đó chúng tôi hướng đến những tính năng chung cần có của hai loại máy bay”. Máy bay của hai lực lượng sẽ cùng chia sẻ những vũ khí và công nghệ cảm biến cho dù chúng được phát triển trên hai khung máy bay khác nhau. Một lĩnh vực chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ nhất đó là khí động học cho máy bay, cả hai lực lượng sẽ hợp tác để chế tạo công nghệ động cơ tiên tiến" - Ông Manazir cho biết thêm.
Theo ông Manazir, mặc dù chia sẻ công nghệ động cơ nhưng đặc tính kĩ thuật của 2 loại máy bay của hai là khác nhau, trong đó không quân cần trang bị loại máy bay có tầm bay xa, vận tốc nhanh, điều này khiến thiết kế khung máy bay của hai bên không giống nhau. Tuy tiêm kích của Hải quân cũng cần những tính năng đó nhưng chúng lại phải đảm bảo khả năng cất và hạ cánh trên tàu sân bay.
Manazir, dù F/A-XX chưa định hình nhưng nó chắc chắn sẽ được thiết kế để đánh bại hầu hết các kẻ thù nguy hiểm nhất trên toàn cầu.
“Chúng tôi rõ ràng cần phải duy trì ưu thế trước đối phương bằng cách đưa những ưu thế này lên chiến trường với mọi loại vũ khí trang bị trên tàu sân bay” - Manazir nói.