Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, gần đây có đề nghị người đồng cấp phía Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, cho phép các sĩ quan trên tàu sân bay Trung Quốc lên tham quan tàu sân bay Mỹ để học hỏi các quy trì vận hành và bảo dưỡng. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang xem xét yêu cầu này.
Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi (trái) trò chuyện với Đô đốc Jonathan W. Greenert, Tư lệnh hải quân Mỹ, tại lễ đón tiếp ông Greenert ở Bắc Kinh ngày 15.7. Đô đốc Greenert sang thăm Trung Quốc để bàn về các lĩnh vực mới trong mối quan hệ hợp tác 2 nước.
Trong một bài viết đăng trên tờ New York Times (Mỹ) ngày 6/8, chuyên gia Steve Cohen, nguyên giám đốc Viện Hải quân Mỹ cho rằng đây là một ý tưởng tồi tệ.
Mặc dù các chương trình trao đổi quân sự vẫn được xem là một cách để giảm thiểu nguy cơ xảy ra những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột vũ trang thì Washington vẫn cần thận trọng và xem xét chúng qua lăng kính an ninh quốc gia. Đề nghị trên của Trung Quốc mang nhiều tính "chuyển giao" kinh nghiệm, thậm chí là công nghệ, hơn là "trao đổi" quân sự đơn thuần. Nếu đề nghị được chấp nhận, cái lợi mà Trung Quốc nhận được sẽ nhiều hơn so với Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng tại Châu Á đang tăng cao vì chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, Washington không nên tạo điều kiện cho nước này tăng cường sức mạnh quân sự.
Hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh vào năm 2012. Từ đó cho đến nay, những phi công hải quân nước này thường xuyên thực hành những kỹ thuật căn bản của tác chiến trên tàu sân bay, chủ yếu là cách cất cánh, hạ cánh bằng cáp hãm đà và những phương án an toàn. Khi xem những clip về các bài huấn luyện trên tàu sân bay Trung Quốc, có thể thấy rõ họ đã sao chép từ người Mỹ như thế nào.
J-15 thực hành cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Phó Đô đốc đã về hưu Peter Daly, cựu Tư lệnh nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz, chỉ ra rằng Trung Quốc đã sao chép đến từng chi tiết các kỹ thuật an toàn để giảm thiểu thiệt hại cho máy bay gây ra bởi các mảnh vụn trên đường băng khi hạ cánh bắt buộc, cũng như cách liên lạc bằng tín hiệu trực quan để kiểm soát các đợt cất cánh.
Đề nghị vừa qua của Đô đốc Ngô tham vọng hơn rất nhiều so với những chuyến tham quan thực tế mà các quan khách nước ngoài thường được phép khi thăm tàu chiến Mỹ. Ông Ngô cũng nói rõ rằng ông muốn tìm hiểu chi tiết, cụ thể những chiến thuật và quy trình bảo dưỡng được sử dụng.
Trung Quốc cần biết chính xác những bộ phận nào của máy bay, máy phóng và cơ cấu cáp hãm cần được bảo dưỡng thường xuyên. Chỉ cần được nhìn thấy cách thức hoạt động của các hệ thống trên tàu sân bay Mỹ cũng có thể giúp Trung Quốc rút ngắn đáng kể khoảng thời gian cần thiết để nắm vững cách vận hành tàu sân bay.
Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã đề nghị phía Mỹ cho tàu sân bay USS George Washington - con tàu có cảng chính ở căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật Bản) - đến thăm một cảng của Trung Quốc, rồi cho phép thủy thủ đoàn tàu Liêu Ninh lên tham quan.
Và còn có 1 lí do quan trọng khác để người Mỹ cần bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc. Đó là chương trình phát triển tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm xa DF-21D, với mục tiêu chính là tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ ở khoảng cách có thể lên đến 1.500km. Rõ ràng hải quân Mỹ không nên để một nước đang tìm cách đánh chìm tàu sân bay có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu tàu chiến của mình.
Một quốc gia khi sở hữu tàu sân bay sẽ có năng lực tác chiến vượt xa khỏi tầm hoạt động của các phương tiện triển khai từ trên bộ. Giúp Trung Quốc mở rộng tầm tác chiến không phải là điều Mỹ nên làm trong bối cảnh Trung Quốc đang liên tục quấy phá các nước láng giềng, từ khiêu khích Nhật Bản và Philippines ở những vùng biển tranh chấp, cho đến hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Vào năm 1988, Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ khi đó là Đô đốc William Crowe đã mời người đồng cấp Liên Xô, Tổng tham mưu trưởng Sergei Akhromeyev, tham quan một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ. Chuyến tham quan này nằm trong chiến lược chung của Tổng thống Reagan nhằm thuyết phục Liên Xô rằng nước này sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực để chạy đua vũ trang với Mỹ.
Hiện nay chính quyền Tổng thổng Obama khó có thể dựa vào lập luận tương tự. Củng cố quan hệ với một cường quốc đang lên có thể được xem là một động lực để Mỹ đồng ý với đề xuất trên, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh và Moscow đang xích lại gần nhau. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ là lí do chính đáng để chia sẻ những bài học kinh nghiệm vô giá trong vận hành tàu sân bay cho Trung Quốc.
Cựu phó đô đốc William Crowder, nguyên tư lệnh Hạm đội 7, khi nhận xét về đề xuất của Trung Quốc, đã nói: “Kỹ thuật, công nghệ là quan trọng, nhưng kinh nghiệm tích lũy trong 100 năm qua, bao gồm không ít những tai nạn trên boong và trên không, mới là yếu tố chính tạo nên sức mạnh sức mạnh của không lực Hải quân Mỹ.” Và những kinh nghiệm đó không nên được chia sẻ một cách dễ dãi.