Đây là một hệ thống đánh chặn tầm gần được thiết kế để tiêu diệt các loại đạn cối, đạn pháo binh, rocket từ trên không.
C-RAM là viết tắt của cụm từ (Counter Rocket, Artillery, and Mortar). Đây là một hệ thống đánh chặn tầm gần được thiết kế để tiêu diệt các loại đạn cối, đạn pháo binh, rocket từ trên không trước khi chúng có thể gây hại cho các mục tiêu mặt đất.
Hệ thống được phát triển bởi tập đoàn quốc phòng khổng lổ Raytheon cho quân đội Mỹ nhằm bảo vệ các căn cứ quan trọng, kho tàng, bến bãi, căn cứ không quân trước các cuộc tấn công của đối phương. Thiết kế ban đầu của C-RAM sử dụng hệ thống đánh chặn tầm cực gần Phalanx 20mm được trang bị trên các chiến hạm Mỹ.
C-RAM đã được đưa đến thử nghiệm tại Iraq từ năm 2010 và cho kết quả rất khả quan. Gần đây Raytheon đã phát triển một biến thể mới của C-RAM được chỉ định là C-RAM AI3 với nhiều đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt.
Điểm mới của C-RAM AI3 là chuyển từ sử dụng pháo bắn nhanh sang tên lửa đối không để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu. Hệ thống sử dụng trạm vũ khí đa năng Avenger được trang bị 4 tên lửa phòng không AIM-9 và một radar điều khiển hỏa lực băng tần Ku.
Trạm vũ khí đa năng Avenger có thể tùy chọn trang bị loại tên lửa tầm trung AIM-120 để tăng phạm vi tiêu diệt mục tiêu. Các thử nghiệm đầu tiên tại trường thử của Raytheon, C-RAM AI3 đã theo dõi và đánh chặn thành công một rocket 107mm.
Mục tiêu được đánh chặn từ độ cao thấp với sáng kiến cải tiến khả năng đánh chặn tốc độ cao từ độ cao thấp của các nhà thiết kế. Cải tiến thứ hai rất quan trọng là hệ thống điều khiển hỏa lực của hệ thống. Hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cho phép C-RAM AI3 đối phó hiệu quả với nhiều kiểu mục tiêu khác nhau.
Khi mục tiêu là đạn pháo, rocket, cối được xác định bởi hệ thống radar điều khiển hỏa lực, radar sẽ chiếu xạ mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn ở một quỹ đạo đã được hệ thống tính toán sẵn. Vị trí của mục tiêu và tên lửa đánh chặn được cập nhật liên tục thông qua liên kết dữ liệu.
Đạn tên lửa được trang bị ngòi nổ vô tuyến cho phép tính toán thời điểm tối ưu nhất để kích nổ đầu đạn và tiêu diệt mục tiêu. Dự kiến C-RAM AI3 sẽ được chuyển giao cho quân đội Mỹ tiến hành kiểm tra bắn đạn thật trong tháng 9 tới.
Ông Steve Bennett, giám đốc phụ trách chương trình C-RAM của Raytheon cho biết, C-RAM AI3 mang lại một giải pháp hoàn toàn mới trong việc chống lại mối đe dọa từ đạn pháo, rocket và cối. Hệ thống điều khiển kiến trúc mở cho phép hệ thống đối phó hiệu quả hơn với các mục tiêu khác nhau cũng như dễ dàng trong việc tích hợp các công nghệ mới.
Hệ thống có thời gian phát triển tương đối ngắn chỉ 18 tháng, với chi phí ban đầu và đặc tính kỹ thuật của hệ thống thì đây là một dự án thành công. Ông Michael Van Rassen-Giám đốc chương trình C-RAM của quân đội Mỹ, cho biết: “Dự án C-RAM AI3 sử dụng một loạt các phương pháp tiếp cận mới dựa trên các hệ thống sẵn có để tăng tốc độ phát triển và giảm nguy cơ rủi ro do các vấn đề kỹ thuật”
Ông này cho biết thêm, C-RAM AI3 là sự kết hợp giữa công nghệ “hit-to-kill” (truy đuổi-tiêu diệt) được phát triển bởi Lockheed Martin và đầu đạn phân mảnh với ngòi nổ vô tuyến thế hệ mới, được phát triển bởi Northrop Grumman.
C-RAM AI3 sẽ mang lại một giải pháp mới cho quân đội Mỹ trong việc chống lại các mối đe dọa từ đạn pháo, rocket và cối vốn là mối đe dọa thường trực đối với các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới bởi các hoạt động tấn công của các phần tử khủng bố hay các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!