Một bài viết trên tờ Inside Defense cho biết Cơ quan phụ trách chương trình, hệ thống chiến lược của Hải quân Mỹ (SSP) đã đưa ra một số bản đề xuất cho dự án nghiên cứu kéo dài trong 2 năm để đánh giá những giải pháp công nghệ và cấu trúc cho một loại vũ khí tầm trung trong chương trình CPGS. Ưu tiên hàng đầu trong chương trình này là phát triển những loại tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác, có khả năng vươn tới bất cứ vị trí nào trên toàn cầu trong thời gian chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Tờ Inside Defense nhận định mặc dù theo đuổi những tên lửa phóng từ tàu ngầm thay vì các tên lửa phóng từ mặt đất sẽ bao hàm những thách thức kĩ thuật ngày càng lớn, nhưng quyết định trên của Mỹ là cần thiết bởi những trách nhiệm mà Mỹ phải thực hiện trong hiệp ước cấm phát triển các tên lửa tầm trung với tầm bắn từ 500 đến 5.500km đã ký kết với Nga.
Tuy nhiên, nhiều thông tin gần đây cho thấy có thể Nga đã vi phạm hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (Cũng cấm những tên lửa thông thường). Vì vậy, nhiều khả năng trong tương lai Mỹ vẫn sẽ phát triển các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất trong khuôn khổ chương trình CPGS.
Một số nhà phân tích cho rằng có một cuộc chạy đua vũ trang tên lửa siêu vượt âm mới nảy sinh giữa một số cường quốc trên thế giới. Quyết định mới này của Hải quân Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc đã thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm do nước này phát triển. Nhiều chuyên gia nhận định cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm trên là dấu mốc quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa công nghệ quân sự nhằm phục vụ những mục đích hạt nhân chiến lược và thông thường của Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là đang tiến hành 2 chương trình phát triển phương tiện bay siêu vượt âm, cả 2 chương trình này đều nhắm đến mục đích chiến lược tầm xa. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Bắc Kinh cũng đang theo đuổi một khả năng siêu vượt âm độc lập, đối lập với loại được phóng từ các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ngoài Trung Quốc và Mỹ, Nga và Ấn Độ cũng đang hợp tác phát triển tên lửa siêu vượt âm.
Các tên lửa siêu vượt âm có tốc độ từ Mach 5 tới Mach 10, bay ở độ cao thấp hơn những tên lửa đạn đạo hiện có, điều này khiến những công nghệ phòng thủ tên lửa hiện nay không thể phát huy hiệu quả đánh chặn.