Năm nay, cuộc tập trận sẽ diễn ra tại bắc Thái Bình Dương và có sự tham gia của các phương tiện hải quân cả ba nước. Cuộc tập trận này sẽ được tiến hành trước cuộc tập trận chống khủng bố Yudh Abhyas giữa Ấn Độ và Mỹ vào tháng 9 tới tại Uttarakhand. Cả Malabar và Yudh Abhyas là hai cuộc tập trận tiêu biểu mà lực lượng vũ trang Ấn Độ tham gia kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) lên cầm quyền.
Theo tờ Times of India, Hải quân Ấn Độ sẽ điều 4 đến 5 tàu chiến, bao gồm một tàu khu trục tên lửa lớp Rajput và một khinh hạm tàng hình lớp Shivalik. Về phía Nhật Bản và Mỹ, các loại tàu chiến tham gia tập trận là một ẩn số. Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho hay “Trước hết, các tàu chiến (của Ấn Độ) sẽ tham gia cuộc tập trận Indra với Nga ngoài khơi Vladivostok, sau đó sẽ di chuyển tới bắc Thái Bình Dương vào cuối tháng Bảy tới để tham gia cuộc tập trận Malabar với Nhật Bản và Mỹ”.
Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) cho hay, cuộc tập trận Malabar bị Bắc Kinh coi là một hành động nhằm kiềm chế Trung Quốc từ phía ba nước Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Bất chấp sự tham gia của Trung Quốc vào cuộc tập trận chung RIMPAC do Mỹ đứng đầu trong năm nay, Malabar tiếp tục là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa các nền dân chủ lớn nhất và giàu có nhất châu Á.
Năm 2007, Nhật Bản và Ấn Độ lần đầu tiên tham gia tập trận chung Malabar cùng với ba quốc gia khác tại vịnh Bengal, khá xa so với bờ biển Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn lên tiếng phản đối cuộc tập trận này. Theo Diplomat, cuộc tập trận năm nay có khả năng sẽ làm gia tăng sự giận dữ của Bắc Kinh đối với Nhật Bản khi mà vấn đề tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông giữa hai quốc gia này vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng.
Trung Quốc đang nỗ lực để thiết lập lại mối quan hệ với Ấn Độ sau khi ông Modi thắng cử và sẽ theo dõi sát sao sự hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Thủ tướng Modi dự định tới thăm ông Abe tại Tokyo vào đầu tháng Bảy tới nhằm mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.