Các vấn đề gặp phải trước đó với hệ thống nhiên liệu đã được khắc phục, cho phép động cơ phản lực đẩy trái bom đi xa gần 500 km. Những trái bom JSOW thông thường chỉ có tầm hoạt động từ 22-130 km (phụ thuộc vào độ cao mà trái bom được thả).
Quá trình nghiên cứu phiên bản mới JSOW-ER kéo dài trong 6 năm và đã từng phải trì hoãn vì một số trục trặc kỹ thuật, cũng như thiếu khách hàng tiêu thụ.
Bom liệng JSOW được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1990. Các nước như Úc, Canada, Hy Lạp, Phần Lan, Ba Lan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan từng đặt mua với số lượng nhỏ. Hải quân và Không quân Mỹ mua hơn 1.000 trái bom JSOW và đã sử dụng 400 trái trong các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và Balkans.
Bom liệng JSOW đang ngày càng trở nên phổ biến mặc dù không mang lại nhiều hiệu quả trong các cuộc chiến. Về cơ bản, JSOW là một loại bom thông minh có cánh, cho phép nó di chuyển quãng đường tới 130 km khi được thả từ máy bay. Tầm bắn của JSOW chỉ đạt khoảng 22 km nếu được thả ở tầm thấp.
Phiên bản mới của bom JSOW có tầm hoạt động lên tới 500 km.
Giống như bom thông minh JDAM, bom liệng JSOW sử dụng hệ thống GPS và hệ thống điều khiển theo quán tính để xác định mục tiêu. JSOW bắt đầu phát nổ khi cách mục tiêu 10 m, nó có thể tấn công các con tàu di động.
Hiện có 3 phiên bản của bom JSOW: AGM-154A có thể chứa tới 145 trái bom bi. AGM-154B chứa 6 đầu đạn SADARM có khả năng tìm và diệt các loại xe bọc thép tại khu vực có diện tích 300m x 600 m. Giá của mỗi trái bom AGM-154B là 490.000 USD. Phiên bản thứ 3 của JSOW là AGM-154C mang một đầu đạn nặng 361 kg, có thể xuyên thủng bê tông trước khi phát nổ với uy lực cao. AGM-154C có thể tấn công những mục tiêu rất nhỏ (như lọt qua khe cửa sổ).
Mỗi trái bom JSOW nặng từ 500 - 618kg, tùy thuộc vào từng loại bom cụ thể. Số lượng bom JSOW được đặt hàng không nhiều bởi nhu cầu sử dụng không cao. Mục đích sử dụng loại vũ khí này là để bảo vệ máy bay chiến đấu khỏi hệ thống phòng thủ của đối phương (thường là tên lửa).
Một lượng nhỏ bom JSOW đã được sử dụng ở Iraq (giữa năm 1999 và 2003) và Afghanistan (2001) nhưng trong phần lớn trường hợp, bom JDAM vẫn được lựa chọn nhiều hơn do giá thành rẻ hơn mà vẫn mang lại hiệu quả tương tự bom JSOW.
Tuy nhiên, để đối phó với những đối thủ nặng ký như Trung Quốc, Syria, Iran hay Bắc Triều Tiên, JSOW được cho là sẽ hữu dụng hơn và vì thế bom JSOW vẫn được đưa vào sản xuất và nâng cấp.