Mỹ nấn ná với cường kích A-10 vì sao?

Hòa Sơn |

Dù khẳng định chưa thể cho cường kích A-10 nghỉ hưu nhưng Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch cho tương lai của chiến đấu cơ này.

Theo Defense One, Mỹ sẽ lùi thời điểm nghỉ hưu của máy bay A-10 Warthog do mối đe doạ của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và "sự khiêu khích từ Nga". Ngay khi thông tin này được phát đi đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ Mỹ.

Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ, John McCain nhận định rằng, những chiếc A-10 không chỉ thích hợp cho hoạt động chống IS mà còn là phương tiện để hạn chế “sự khiêu khích từ Nga”.

Được biên chế từ năm 1976 và ngừng sản xuất vào năm 1984, như vậy chiếc A-10 mới nhất của Mỹ cũng đã 32 năm tuổi. Vì vậy, dù được tiếp tục kéo dài sự sống nhưng người Mỹ vẫn có sẵn kế hoạch cho chiến đấu cơ này.


Chiến đấu cơ A-10 sánh vai cùng tiêm kích thế hệ 5 F-22.

Chiến đấu cơ A-10 sánh vai cùng tiêm kích thế hệ 5 F-22.

Theo kế hoạch, Lầu Năm Góc quyết định phát triển máy bay tấn công không người lái dựa trên cường kích A-10 với tên gọi UA-10.

Công ty Mỹ Raytheon, nhà thầu chính của dự án Không trợ trực tiếp chính xác cao (PCAS), đã ký với Aurora Flight Sciences (AFS) hợp đồng chế tạo biến thể không người lái của máy bay cường kích A-10.

Công ty AFS sẽ phải chế tạo mẫu trình diễn công nghệ dùng để kiểm thử các hệ thống khác được phát triển trong khuôn khổ dự án PCAS. Trị giá hợp đồng không được tiết lộ. Tham gia dự án còn có Rockwell Collins và GE Aviation.

Mục đích chính của PCAS là chế tạo một hệ thống máy bay không người lái, các hệ thống mặt đất điều khiển vũ khí và các thiết bị khác để nâng cao hiệu quả và độ chính xác của các đòn không kích chi viện lục quân.

Thời gian thực hiện các đòn không kích đó sau khi nhận được yêu cầu từ lục quân cũng phải rút ngắn. Các công nghệ được chế tạo trong khuôn khổ PCAS dự kiến sẽ được trình diễn vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến DARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ là bên đặt hàng dự án này.

Theo DARPA, việc chế tạo một hệ thống mặt đất điều khiển vũ khí của các máy bay cường kích song song với việc trao đổi thông tin thoại truyền thống (nếu duy trì liên lạc với máy bay có người lái) sẽ cho phép rút ngắn thời gian phản ứng của không quân cường kích từ 30 - 60 phút xuống còn 6 phút.

Đồng thời cũng có thể tránh những sai sót tấn công nhầm đồng đội.

PCAS sẽ là bộ phận của các cường kích không người lái UA-10 và các tiêm kích không người lái QF-16 (biến thể của F-16 Fighting Falcon). Dự án này là một trong những bước triển khai của chiến lược quốc phòng mới của Mỹ.

Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ tập trung xây dựng, phát triển lực lượng phương tiện chiến đấu không người lái và đặc nhiệm, nhằm đáp ứng yêu cầu cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại