Trao đổi với phóng viên Tạp chí Jane's Defence Weekly tại triển lãm hàng không FIDAE ở Santiago, đại diện Lockheed Martin cho biết, họ hy vọng việc Hàn Quốc mua S-3 Viking sẽ mở đường cho việc bán thêm loại máy bay săn ngầm trên cho ít nhất 3 quốc gia khác.
Trong những nước này có 2 quốc gia châu Á (một trong số đó được xác định là Việt Nam) và một quốc gia Nam Mỹ, theo Giám đốc chương trình tuần tra hàng hải của Tập đoàn Lockheed Martin - ông Clay Fearnow.
"Chúng tôi đang nói chuyện với 3 quốc gia khác (ngoài Hàn Quốc) liên quan đến máy bay săn ngầm S-3 Viking".
Ông này thông tin thêm là các đối tác cũng quan tâm và đang chờ đợi thỏa thuận của Hàn Quốc sẽ được hoàn tất trước khi tiến hành đàm phán với Lockheed.
Hàn Quốc được cho là có ý định mua ít nhất 20 chiếc S-3 Viking để hỗ trợ cho phi đội P-3C Orion trong vai trò chống tàu ngầm.
Theo kế hoạch của Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) thì họ muốn mua 12 chiếc Viking và tùy chọn đặt hàng thêm 8 chiếc nữa. DAPA sẽ đệ trình lên Bộ quốc phòng Hàn Quốc phê duyệt trong tháng 6.
Dự kiến, nếu mọi việc đảm bảo tiến độ ban đầu thì hợp đồng sẽ được ký trong năm 2018, phi đội S-3 Viking đầu tiên của Hàn Quốc sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.
Như vậy, có lẽ phải sau năm 2018 thương vụ giữa Việt Nam với Lockheed Martin liên quan tới máy bay săn ngầm S-3 Viking mới có thể bàn tiếp được.
S-3 Viking do hãng Lockheed phát triển cho nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ, được sử dụng để phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mọi tàu ngầm đối phương. Các máy bay S-3 đều có khả năng gấp cánh lại để bố trí trên hàng không mẫu hạm.
Chúng được trang bị 2 động cơ phản lực TF34, cho tốc độ tối đa 828 km/h ở trần bay 6.100 m, trong khi ở độ cao thấp là 795 km/h, tốc độ trung bình 650 km/h, bán kính chiến đấu lên tới 853 km.
Máy bay có khả năng mang 2,2 tấn vũ khí, bao gồm các loại bom, ngư lôi, tên lửa ở 4 giá treo trong thân và 2 giá treo ngoài cánh.