Bloomberg đưa tin theo dữ liệu được Hải quân Mỹ chuyển lên Văn phòng Thử nghiệm hoạt động và Đánh giá của Bộ Quốc phòng:
Trong khi dò mìn là nhiệm vụ chính mà chiếc tàu chiến đấu ven biển đảm nhận thì máy bay không người lái (UAV) trang bị trên tàu vốn được dùng để phát hiện các thiết bị nổ dưới nước ở khoảng cách an toàn, đã 24 lần hoạt động thất bại trong các cuộc thử nghiệm kể từ tháng 9/2014.
Gần đây nhất, các UAV này cũng đã 14 lần hoạt động thất bại trong 300 giờ đưa ra thử nghiệm lần đầu tiên dưới biển trong vòng 5 tháng qua. Các cuộc thử nghiệm này mới kết thúc vào hôm 30/8.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ dự định chi 864 triệu USD để mua 54 chiếc UAV dưới nước từ tập đoàn Lockheed Martin, nhà thầu quân sự lớn nhất của Mỹ.
Máy bay không người lái dưới nước của Hải quân Mỹ liên tiếp gặp trục trặc hoạt động trong các bài thử nghiệm.
Trong khi đó, ông Frank Kendall, Thứ trưởng phụ trách mua sắm vũ khí, công nghệ và hậu cần của Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ có phiên đánh giá về mức độ tin cậy của các UAV này vào ngày 19/1/2016.
Ông Michael Gilmore, Giám đốc Ủy ban thử nghiệm chiến đấu của Lầu Năm Góc cũng đã chuẩn bị sẵn bản báo cáo dài 41 trang kết thúc vào ngày 12/11 để phục vụ cho phiên đánh giá sắp tới.
Về phần mình, phát ngôn viên tập đoàn Lockheed Martin, ông Joe Dougherty cho hay các UAV "đã vượt qua hoặc đáp ứng những thông số hoạt động chủ chốt trong các bài kiểm tra của Hải quân Mỹ tiến hành hồi đầu năm 2015".
Tuy nhiên, Hệ thống săn mìn từ xa (RMS) là "hệ thống duy nhất vẫn đang trên đường hoàn thiện khả năng".
Được trang bị hệ thống định vị siêu âm lưu động do tập đoàn Raytheon chế tạo, các UAV được kỳ vọng có thể phát hiện những thiết bị nổ dưới nước mà không cần tiến lại gần hiện vật như công việc mà các tàu quét mìn lớp Avenger đang làm.
Tuy nhiên, những sai sót hoạt động của các UAV dưới nước thêm một lần nữa đặt ra câu hỏi nghi ngờ về hiệu quả mà Mỹ thu được liên quan tới chương trình trị giá 23 tỷ USD để đóng 32 chiếc tàu chiến đấu ven biển theo 2 phiên bản do tập đoàn Lockheed Martin và Austal của Australia sản xuất.
Đặc biệt hoạt động của cả 2 phiên bản này đều phụ thuộc vào khả năng dò mìn ở khoảng cách an toàn của các UAV.
Vào năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là ông Chuck Hagel đã cắt bớt kế hoạch mua 52 chiếc tàu chiến đấu ven biển hoạt động ở vùng bờ biển nước nông trước mối quan ngại về khả năng chiến đấu và nguy cơ bị tấn công.
Sau đó, ông Carter đã phê chuẩn đề xuất của Hải quân để mua 20 chiếc tàu chiến đấu ven biển được cải tiến hệ thống vũ khí, cảm biến và vỏ tàu sau năm 2019.
Hải quân Mỹ đã chi 109 triệu USD để mua 8 chiếc UAV đầu tiên, cùng linh kiện đi kèm và công tác hậu cần từ Lockheed Martin hồi năm 2005. Những chiếc UAV này được dự kiến sẽ hoàn thành quá trình thử nghiệm và sẵn sàng chiến đấu vào tháng Chín năm nay.
Ngoài ra, Lockheed Martin cũng đồng ý nhận hơn 700 triệu USD cho 46 chiếc UAV còn lại. Số tiền này bao gồm 400 triệu USD cho 18 chiếc vào tháng Hai tới mà ông Kendall sẽ tái cân nhắc.
Ông Rankine-Galloway, phụ trách nhiệm vụ săn mìn nhận định cho tới nay chương trình của Hải quân Mỹ "vẫn chưa phát triển đủ độ tin cậy".
Kết luận của ông Rankine-Galloway dựa trên nguồn dữ liệu cho thấy không chỉ hệ thống săn mìn quan trọng hoạt động thiếu tin cậy mà các UAV còn rất dễ bị trúng mìn và khả năng liên lạc hạn chế.
Ngoài ra, hệ thống trung hòa mìn AN/ASQ-235 trang bị trên các tàu chiến đấu ven biển hiện thời cũng không thể vô hiệu hóa "phần lớn các loại mìn mà Hải quân Mỹ có thể phải đối mặt khi hoạt động trên thế giới".
Thay vào đó, hệ thống này nên được triển khai trên trực thăng MH-60S để phá hủy mìn do các UAV dưới nước phát hiện.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.