Trong bản báo cáo, Rosoboronexport cho biết, hiện nay các hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Venezuela đã đạt tới 11 tỷ USD. Con số này chiếm tới hơn 75% tổng kim ngạch giao dịch thương mại vũ khí của Nga với các quốc gia Mỹ - Latin trong giai đoạn 2001 - 2013.
Vừa qua, Nga đã bàn giao cho Venezuela 100.000 khẩu súng đột kích bộ binh AK-103. Hiện Nga đang tích cực chế tạo 2 dây chuyền sản xuất để cho phép Venezuela được lắp ráp súng và sản xuất đạn dược ngay trong nước.
Từ trước đến nay, Nga đã bán cho “Đất nước của những Hoa hậu” 24 chiếc Su-30MK2, 34 chiếc trực thăng Mi-17V-5, 10 chiếc Mi-35 và 3 chiếc Mi-26T. Venezuela cũng đặt mua của Nga xe tăng chủ lực T-72 V1, trực thăng tấn công Mi-28NE, các hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa S-300VM và hệ thống phòng không tầm trung BUK-1-2 (NATO gọi là SA-17).
Ngoài ra, Caracat còn đặt mua thêm xe chiến đấu bộ binh BMP-3, xe thiết giáp BTR-80A, lựu pháo tự hành 2S19, hệ thống rocket nhiều nòng BM-21 Grad, hệ thống rocket nhiều nòng 9K58 Tornado, cối tự hành Nona-SVK và xe vận tải quân dụng Ural-4320 và Ural-3206.
Từ ngày 15 đến ngày 19/05 vừa qua, tại triển lãm công nghệ quốc phòng quốc tế SITDEF 2013 tại tổ chức tại Lima - Peru, Tập đoàn công nghệ cao Rostec của Nga và Rosoboronexport cùng nhau trưng bày rất nhiều sản phẩm công nghệ cao như: Xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến T-90S, hệ thống phòng không tầm gần Pantsyr-S1, hệ thống rocket nhiều nòng 9K58 Tornado, máy bay trực thăng Mi-17 và máy bay chiến đấu đa dụng Su-30 MK2.
Ngày 14/05 vừa qua, đại diện của Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga Rosoboronexport tại Lima - Peru đã cho biết, trong một phần hợp đồng thay thế, Nga đã quyết định xây dựng một trung tâm dịch vụ máy bay trực thăng mang tầm cỡ khu vực ở quốc gia này. Ngoài ra, vị đại diện này còn cho biết Nga hy vọng giá trị kim ngạch giao dịch thương mại vũ khí với Mỹ - Latin sẽ đạt 50 tỷ USD trong 10 năm tới.
Theo ông Sergei Goreslavsky, người dẫn đầu phái đoàn Tập đoàn quốc doanh Rostec, bao gồm cả nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, Venezuela, Peru, Bolivia, Brazil, Argentina và Mexico đều đã quan tâm đến việc mua máy bay trực thăng và các hệ thống phòng không của Nga.
Trước đó, ông Goreslavsky cho biết, Nga đang đàm phán với Peru về thương vụ bán 700 xe tải Kamaz, một lô 24 máy bay trực thăng Mi-8/17 mới và khoảng 100 xe tăng T-90 cho nước này. Ông còn cho biết, Nga đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Bolivia một khoản tín dụng để mua khoảng 10 chiếc máy bay trực thăng Mi-8/17.
Bolivia bắt đầu quan tâm đến máy bay trực thăng của Nga, sau khi loại máy bay này chứng tỏ được khả năng chiến đấu ở Venezuela, nước trước đó đã mua loại máy bay tương tự.
Trong 12 năm qua, Công ty Rosoboronexport đã bán khối lượng vũ khí trị giá 14,5 tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh.
Tạp chí Jane’s Defence Weekly cho biết, các nước sử dụng nhiều vũ khí Nga tất yếu cũng sẽ xây dựng quân đội theo mô hình Nga. Có thể nói, hiện tại và tương lai, vũ khí Nga sẽ tràn ngập khu vực châu Mỹ - Latin, xu hướng phát triển quân đội của châu lục này sẽ theo mô hình “Quân đội Nga thu nhỏ”. Sân sau của Mỹ sẽ toàn vũ khí và "quân đội Nga", người Mỹ nên lo lắng dần đi là vừa.