Trong Chiến tranh lạnh, tàu ngầm hạt nhân là một thành tố rất quan trọng trong cán cân quân sự giữa Mỹ và Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ không còn đối thủ tương xứng, và tầm quan trọng của nó phần nào bị xem nhẹ trong những cuộc chiến gần đây tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Mỹ phải xem xét nghiêm túc việc khôi phục sức mạnh đội tàu ngầm của mình, bởi nếu có một cuộc chiến nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai, tàu ngầm sẽ là quân bài bí mật có thể giúp Mỹ giành lợi thế.
Tàu ngầm tấn công
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ gồm 2 loại chính là tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Nhiệm vụ truyền thống của tàu ngầm tấn công là tiêu diệt tàu ngầm, tàu nổi của đối phương và thực hiện việc trinh sát. Hiện nay, nó còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa là tấn công các mục tiêu trên bộ bằng tên lửa hành trình.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, kế hoạch của hải quân Mỹ là duy trì lực lượng tàu ngầm tấn công với ít nhất 48 chiếc. Hiện nay con số này là 55 chiếc, tuy nhiên do có quá ít tàu được đóng mới trong những năm 90, con số này sẽ giảm xuống chỉ còn 40 khi các tàu cũ thuộc lớp Los Angeles hết vòng đời sử dụng và ngừng hoạt động. Phải đến sau năm 2030 hải quân Mỹ mới có thể đạt được con số mong muốn với những tàu mới thuộc lớp Virginia được đưa vào sử dụng. Hải quân Mỹ cố gắng bù đắp cho sự thiết hụt này bằng cách kéo dài tuổi thọ của những tàu Los Angeles và rút ngắn thời gian chế tạo các tàu Virginia mới.
Các tàu lớp Los Angeles chiếm phần lớn trong số tàu ngầm tấn công hiện có của Mỹ, với 41 chiếc. Với lượng choán nước 6.900 tấn, Los Angeles có thể mang theo 26 ngư lôi hạng nặng hoặc tên lửa hành trình Tomahawk. Những chiếc thuộc thế hệ cũ phóng tên lửa hành trình từ ống phóng ngư lôi, trong khi những chiếc được đóng gần đây được trang bị 12 ống phóng dọc, cho phép phóng Tomahawk nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Tuổi thọ một chiếc Los Angeles khoảng từ 30 – 35 năm. Để tăng thời gian này lên, tàu cần được đại tu với chi phí khoảng nửa tỷ dollar và kéo dài từ 4 đến 5 năm. Sau đó nó có thể hoạt động thêm từ 10-15 năm. Chi phí này tuy có vẻ lớn, nhưng cũng là một giải pháp tình thế hợp lý nếu so với chi phí đóng mới hơn 2 tỷ dollar của tàu Virginia. Ngoài ra, với một đối thủ như Trung Quốc, tàu Los Angeles vẫn có hiệu quả trong tương lai gần.
Virginia là một trong số ít các chương trình quốc phòng hiện nay vượt thời gian biểu và dưới ngân sách dự kiến. Chiếc Virginia mới nhất vừa được giao cho hải quân Mỹ, USS Minnesota, hoàn thành sớm 11 tháng. Đây cũng là chiếc thứ 10 trong số 30 chiếc mà hải quân Mỹ dự kiến nhận. Hiện nay trung bình mỗi năm có 1 chiếc Virginia ra đời, mục tiêu là tăng con số này lên 2 chiếc trong vòng 10 năm tới.
Với lượng choán nước 7800 tấn, Virginia có lò phản ứng thế hệ mới có tuổi thọ tương đương tuổi thọ của con tàu. Đối với những loại tàu hạt nhân trước đây, trong suốt thời gian hoạt động phải có ít nhất một lần thay thế các thanh nhiên liệu hạt nhân. Đây là một quá trình tốn kém và mất nhiều thời gian. Virginia sẽ loại bỏ hoàn toàn quy trình này.
Điểm mạnh của nó còn ở hệ thống điện tử, cảm biến hiện đại hơn nhiều so với thế hệ trước. Virginia cũng được thiết kế để có thể tác chiến ở vùng biển nông gần bờ, là nơi trước đây chỉ dành cho tàu ngầm diesel nhỏ thay vì tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn. Virginia cũng được trang bị 12 ống phóng dọc cho tên lửa Tomahawk. Bộ quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu phương án tăng số ống phóng này lên 40 trong các thế hệ nâng cấp Virginia tiếp theo.
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo
Đây là một lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn còn tụt hậu rất xa so với Nga hay Mỹ. Trên giấy tờ thì Trung Quốc đã phát triển 2 thế hệ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, Type 92 và 94, nhưng trên thực tế thì cho đến nay chưa có loại nào chính thức được đưa vào biên chế. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai gần Mỹ vẫn sẽ luôn giữ được lợi thế tuyệt đối về sức mạnh răn đe hạt nhân đối với Trung Quốc. Các tên lửa hạt nhân phóng từ các tàu ngầm ngoài khơi bờ biển Trung Quốc sẽ mất rất ít thời gian để đến mục tiêu.
Theo dự kiến, thế hệ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới thay thế cho loại hiện nay Mỹ đang sử dụng, lớp Ohio, sẽ bắt đầu được đóng vào năm 2021. Hiện vẫn có rất ít thông tin cụ thể về loại tàu ngầm này được tiết lộ. Tuy nhiên nó sẽ ứng dụng công nghệ truyền động điện.
Theo công nghệ hiện tại, nhiệt lượng từ lò phản ứng hạt nhân làm chạy turbin hơi chính. Chuyển động quay từ turbin sẽ được truyền qua hộp số và trục chân vịt để làm quay chân vịt và cung cấp sức đẩy cho tàu. Turbin hơi cũng làm chạy máy phát điện cung cấp năng lượng cho các hệ thống trên tàu. Với công nghệ truyền động điện, toàn bộ năng lượng từ turbin hơi được chuyển thành năng lượng điện. Điện năng này sẽ làm chạy động cơ điện gắn với chân vịt. Công nghệ này cho phép loại bỏ nhiều cơ cấu truyền động cơ khí như hộp số, trục chân vịt, do đó giúp giảm thiểu tiếng ồn.
Ngoài ra, thế hệ mới này cũng được trang bị lò hạt nhân mới với tuổi thọ còn cao hơn của Virginia, lên đến 42 năm.
Bên cạnh đó, Mỹ đã hoán cải 4 chiếc đầu tiên của lớp Ohio thành tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. 22 trong số 24 khoang chứa tên lửa hạt nhân liên lục địa được biến đổi để chứa 154 tên lửa hành trình Tomahawk, 2 khoang còn loại trở thành khoang ra-vào cho người nhái đặc nhiệm SEAL. Trong tương lai, có thể sẽ có thêm nhiều tàu Ohio được hoán cải khi mà thế hệ tàu mang tên lửa đạn đạo mới ra đời.
Những tàu Ohio hoán cải này sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong một cuộc chiến tranh phi hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỗi chiếc là một giàn phóng Tomahawk di động, có khả năng bí mật áp sát bờ biển Trung Quốc và bất ngờ phóng ra hàng loạt tên lửa có độ chính xác cao vào các mục tiêu chiến lược trên bộ, hoặc làm điểm xuất phát cho đặc nhiệm SEAL cho các nhiệm vụ trinh sát hay phá hoại.