Mỹ bạo chi dù F-35 chưa hoàn thiện
Theo Bloomberg, Lầu Năm Góc có kế hoạch mua khoảng 500 tiêm kích tàng hình F-35 tính đến năm 2020. Mỹ sẽ nâng số lượng F-35 mua lên 92 chiếc mỗi năm, từ nay cho đến năm 2020, tăng đáng kể so với mức 38 chiếc hồi năm 2015.
Michael Gilmore, người thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc, cho biết trong báo cáo thường niên: "Phi cơ này sẽ cần hàng loạt chỉnh sửa, vẫn đang được cân nhắc", để có năng lực đầy đủ.
Theo kế hoạch này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đặt mua tổng cộng 2.443 chiếc F-35 cho cả 3 lực lượng Không quân, Không-Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Tiêm kích F-35 là chương trình vũ khí tốn kém nhất Mỹ từng thực hiện và đang được sản xuất dù nhiều khía cạnh quan trọng trong chương trình vẫn còn phải phát triển và hoàn thiện thêm.
Michael Gilmore lưu ý rằng thử nghiệm chiến đấu bị trì hoãn do có lỗ hổng trong phần mềm cung cấp khả năng chiến đấu cho F-35.
Quá trình thử nghiệm phần mềm sẽ không thể hoàn thành trước tháng 1/2018, chậm 15 tháng so với hạn chót tháng 10/2016 đặt ra năm 2012, khi tái cơ cấu chương trình F-35, các quan chức cho biết.
Không quân Mỹ không hài lòng với F-35 vì nó có "nhiều sai sót" liên quan đến phần mềm và hệ thống cân bằng.
F-35 thiếu hệ thống nhiên liệu, hệ thống chẩn đoán sự cố có vấn đề... và hệ thống thoát hiểm có thể khiến phi công bị gãy cổ khi đẩy họ ra khỏi buồng lái, ông Gilmore không mấy lạc quan khi nói về F-35.
Trong khi đó, người đứng đầu Không quân Mỹ Deborah Lee James không giấu nổi sự thất vọng trước chương trình F-35, nói nó tiêu tốn nhiều tiền hơn "họ đã tưởng tượng".
Theo dự tính ban đầu, mỗi chiếc F-35 sẽ có giá khoảng 70 triệu USD/chiếc, tuy nhiên do chậm trễ và các lỗi phát sinh, tới năm 2011 giá thành mỗi chiếc F-35 được ước tính đã lên tới 120-145 triệu USD tùy phiên bản.
Và số tiền chi cho mỗi chiếc F-35 hoàn thiện chắc chắn vẫn tăng khi dòng tiêm kích này vẫn liên tiếp bị phát hiện thêm lỗi mới.
Tiêm kích tàng hình F-35C.
Mỹ có làm tương lai F-35 thêm sáng?
Trong khi Mỹ công bố kế hạch mua sắm cực lớn với F-35 thì các đồng minh thân cận với Mỹ tham gia phát triển và mua sắm F-35 lại có động thái ngược lại.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại ngày càng có nhiều thông tin cho thấy Canada sẽ từ chối mua máy bay F-35.
Nếu khả năng trên trở thành hiện thực thì thị trường máy bay chiến đấu được dự báo sẽ bị tác động, đặc biệt là đối với chương trình sản xuất máy bay F-35 mà Mỹ cùng một số đối tác đang theo đuổi...
Từ bỏ việc tham gia dự án sản xuất máy bay F-35 thế hệ thứ 5 đắt đỏ cùng với Mỹ là cam kết trước và sau khi đắc cử của tân Thủ tướng Canada là Justin Trudeau.
Thay vào đó, Canada sẽ nhanh chóng thực hiện việc thay thế các máy bay CF-18 đã “có tuổi” bằng một loại máy bay khác có chi phí thấp hơn.
Thủ tướng Justin Trudeau cho rằng, Canada không cần máy bay tàng hình cho mục tiêu quốc phòng; vả lại F-35 quá đắt đỏ đối với một nước có ngân sách quốc phòng hạn hẹp.
Một lý do nữa được ông đưa ra là Canada sẽ ưu tiên nâng cấp lực lượng Hải quân và khoản tiền tiết kiệm được từ việc hủy bỏ mua F-35 sẽ được chi cho Hải quân mua sắm tàu và trang thiết bị hiện đại.
Hơn nữa, giới chuyên gia cũng cho rằng, với những nước không chủ trương thực hiện đòn tấn công phủ đầu như Canada thì việc sử dụng máy bay F-35 có thể coi là sự thừa thãi.
Chính quyền của cựu Thủ tướng Stephen Harper đã quyết định mua 65 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình F-35. Chương trình F-35 là một trong những đề tài gây tranh cãi ở Canada, chủ yếu vì lý do chi phí quá tốn kém.
Chính phủ trước đây đã cố tình hạ thấp chi phí ước tính của 65 chiếc máy bay F-35.
Ban đầu, Canada cho rằng chúng sẽ tốn 9 tỷ USD, nhưng theo nhiều báo cáo của các cơ quan chính phủ, con số này cao hơn rất nhiều. Báo cáo mới nhất nói rằng Chính phủ Canada sẽ phải trả 45,8 tỷ USD để có thể sở hữu 65 máy bay F-35.
Trước khi Canada cân nhắc hủy bỏ chương trình F-35, Australia cũng tuyên bố dừng mua tiêm kích F-35B và Hàn Quốc cân nhắc hủy chương trình mua sắm F-35 của mình.