Trong một động thái mới nhất của Mỹ nhằm giúp Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự đối phó với Trung Quốc, Lầu Năm Góc vừa đề xuất muốn được tham gia hỗ trợ New Delhi phát triển công nghệ cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo của của nước này, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết hôm 18/9.
Theo đó, các công nghệ sẽ được Mỹ tham gia giúp đỡ Ấn Độ bao gồm hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) cho tàu sân bay, và đây sẽ là một bước nhảy vọt của Hải quân Ấn Độ bởi hiện nay họ vẫn chỉ dựa trên công nghệ trượt cầu trên các tàu sân bay của Nga.
Cả hai tàu sân bay của Ấn Độ, INS Vikramaditya sẽ được tiếp nhận trong tháng 10/2013 và INS Vikrant, được chế tạo tại Kochi đều chỉ sử dụng hệ thống cất cánh kiểu "nhảy cầu" cho các máy bay chiến đấu tầm trung. Nhưng với hệ thống máy phóng điện từ của Mỹ, nó sẽ giúp cho các tàu sân bay tương lai của Ấn Độ phóng được cả các máy bay hạng nặng, bao gồm máy bay chỉ huy/cảnh báo sớm, máy bay tiếp dầu và máy bay vận tải. Tuy nhiên, hiện tại thì Ấn Độ vẫn chưa quyết định về thiết kế của các tàu sân bay nội địa tương lai (sau tàu sân bay Vikrant).
Ông Carter nói rằng, Lầu Năm Góc đang quan tâm đến việc phát triển và hợp tác cùng sản xuất thiết bị phòng thủ với Ấn Độ dựa trên dòng tên lửa siêu âm BrahMos mà đã được Nga-Ấn Độ phát triển để trang bị, cũng như có kế hoạch xuất khẩu sang nước thứ ba.
Theo Sáng kiến công nghệ Quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ thì một trong những công nghệ có thể được Lầu Năm Góc chia sẻ cho New Delhi là hệ thống EMALS: "Mỹ đang phát triển và nắm giữ hệ thống đó và đang đề xuất cung cấp công nghệ cho Ấn Độ cho thiết kế tàu sân bay tương lai của họ, cũng như đang xem xét tăng cường chia sẻ thêm nhiều công nghệ tiên tiến khác", ông Carter nói.
Ngoài hệ thống EMALS, Mỹ cũng được đề nghị hợp tác với Ấn Độ để cùng phát triển tên lửa dẫn đường chống tăng thế hệ tiếp theo.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!