Tuyên bố này được Thứ trưởng Thomas Shannon đưa ra trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ:
"Sẽ chặn việc thông qua bán máy bay chiến đấu Su-30" nói trên, đồng thời lưu ý rằng bất cứ thương vụ nào dạng này đều cần có sự phê chuẩn của Liên Hợp Quốc (LHQ) chứ không phải là vấn đề của Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố sẽ ngăn việc Nga bán máy bay Su-30 cho Iran.
Cụ thể, hồi cuối tháng 2/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi khẳng định rằng Washington sẽ làm mọi cách theo luật để ngăn thương vụ này.
"Đây là vấn đề của LHQ, tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chấp thuận thoả thuận này", Ngoại trưởng Kerry trả lời sau khi nhận được câu hỏi của truyền thông về quan điểm của Washington khi Nga bán máy bay chiến đấu cho Iran.
Cùng chung quan điểm này, hãng thông tấn AP dẫn lời Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng việc chuyển giao các chiến đấu cơ Su-30 - loại tương đương với F-15E của Mỹ, cần được sự thông qua của LHQ.
Mỹ sẽ nêu vấn đề với Nga, ông Toner nói, thêm rằng tất cả 6 nước tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân mang tính cột mốc hồi tháng 7/2015 với Iran "cần nhận thức đầy đủ về những hạn chế này". Thỏa thuận yêu cầu giữ lệnh cấm vận vũ khí với Iran thêm 5 năm nữa.
Trước đó, ông Hossein Dehqan, Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã tuyên bố rằng nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ mua một số máy bay Nga, trong đó có Su-30SM. Tuy nhiên, ông này không cung cấp thông tin về thời gian chuyển giao, nhưng nói Iran sẽ tham gia sản xuất máy bay.
Vậy trong trường hợp Nga vẫn tiến hành ký kết hợp đồng Su-30 với Iran, Moscow có phạm luật? Để trả lời cho câu hỏi này cần quay lại lệnh cấm vận vũ khí được LHQ áp đặt với Iran từ năm 2010.
Tháng 6/2010, LHQ đã ra nghị quyết số 1929 cấm bán cho Iran "mọi loại xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa hoặc hệ thống tên lửa như chúng được xác định cho mục tiêu của Đăng kiểm vũ khí thông thường của LHQ".
Như vậy, nghị quyết đã cấm bán cho Iran các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự tấn công và trong trường hợp này, Mỹ đã có lý do để phản đối Nga bán chiến đấu cơ Su-30 cho Iran.
Tuy nhiên, lệnh cấm này đã đặt thương vụ S-300 gây tranh cãi bấy lâu nay giữa Moscow và Tehran nằm ngoài danh mục bị cấm của LHQ.