Theo ý tưởng của Chính phủ Mỹ và Lầu năm góc, cho đến năm 2020, 60% tổng binh lực của hải quân Hoa Kỳ (bao gồm cả nhân viên và tàu thuyền) sẽ tràn ngập châu Á - Thái Bình Dương. Điều đặc biệt quan trọng là Washington sẽ điều chỉnh bố trí binh lực ở trong nước, để tăng cường ưu tiên cho khu vực này.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, 60% tổng binh lực không quân đang đóng ở nước ngoài cũng sẽ được điều động đến khu vực hiện là trọng tâm chiến lược của Mỹ. Đồng thời 60% lực lượng tác chiến không gian và tác chiến mạng cũng dịch chuyển theo để hỗ trợ nâng cao tốc độ phản ứng, phạm vi tác chiến và tính linh hoạt cho không quân Mỹ.
Đặc biệt là, lực lượng không quân chiến lược và không quân chiến thuật trong nước của Hoa Kỳ cũng sẽ được điều động đến khu vực này. Cụ thể là các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22, F-35, máy bay trinh sát không người lái (UAV) chiến lược RQ-4 Global Hawk và máy bay tấn công không người lái (UCAV) mới hoàn tất thử nghiệm trên tàu sân bay X-47B, cũng được triển khai ở Nhật Bản.
Sự điều động lực lượng hải quân Mỹ đến khu vực nóng bỏng này cũng thật sự kinh người. Năm 2012, Lầu năm góc đã tuyên bố, trong 10 năm tới hải quân Mỹ sẽ biến châu Á - Thái Bình Dương thành lãnh địa riêng của mình. Mỹ sẽ điều động đến đây 6 biên đội hàng không mẫu hạm và đại bộ phận các tuần dương hạm, khu trục hạm và khinh hạm và tàu tác chiến ven bờ trong biên chế của mình.
Sự điều động này phá vỡ tỷ lệ cân bằng 5/5 trong bố trí binh lực Mỹ ở 2 đại dương lớn nhất trên thế giới, chứng tỏ vị thế quan trọng của chiến trường Thái Bình Dương trong chiến lược của Mỹ với tỷ lệ trội hơn là 6/4 so với chiến trường Đại Tây Dương. Hiện quá trình chuẩn bị cho sự dịch chuyển này đang được gấp rút tiến hành.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, kế hoạch này đang triển khai rất thuận lợi. Hiện chiếc thứ 4 thuộc lớp tàu tấn công hạt nhân Virginia đã được điều động đến Guam, tàu tác chiến ven bờ LSC-1 Freedom cũng đã trực chiến ở Singapore, bắt đầu triển khai kế hoạch thay phiên trực chiến ở biển Đông của 4 tàu tác chiến lớp này.
Ngoài ra, sau nhiều năm tham chiến ở Afghanistan và Iraq, lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ cũng sẽ quay trở lại chiến trường Thái Bình Dương, đóng quân ở Nhật Bản và đảo Hawaii, đặc biệt là 2 Cụm hải quân đánh bộ cực thiện chiến số 1 và số 3.
Từ 4 năm trước, Cụm Hải quân đánh bộ Mỹ thường trú vĩnh viễn ở Australia cũng bắt đầu thay phiên hoạt động. Dự kiến, đến năm 2016 Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hoàn tất kế hoạch mỗi năm sẽ duy trì khoảng 2500 lính hải quân đánh bộ duy trì hoạt động thường trú ở căn cứ Darwin - Australia.
Về quân chủng lục quân, kết thúc chiến tranh Iraq và Afghanistan, sư đoàn 25 Bộ binh cơ giới đã trở lại đóng quân ở Hawaii. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trên bộ ở châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai, sư đoàn này sẽ phối hợp với quân đoàn 1 lục quân Mỹ đang đảm nhiệm “chuyên trách tác chiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương” đang đóng quân ở Nhật Bản.
Ngoài sự điều chỉnh lực lượng trên quy mô lớn, Lầu năm góc còn dự định sẽ tăng cường chất lượng binh lính đang đóng quân ở khu vực này. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã tuyên bố, mỗi năm sẽ tăng thêm 100 triệu USD để tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chung.
Mục đích của kế hoạch này là nhằm tăng cường chất lượng tác chiến cho binh lính Mỹ, đồng thời đẩy mạnh giáo dục quốc phòng về một “châu Á - Thái Bình Dương mới” cho binh lính và nâng cao chất lượng công tác đào tạo học viên của Trung tâm nghiên cứu quan hệ an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Hawaii.