Cỗ máy ngốn tiền mang tên B-3
Theo tiết lộ của Không quân Mỹ, chương trình máy bay B-3 ra đời nhằm thay thế những máy bay ném bom tàm xa hiện nay B-2, B-52 hiện đang phục vụ trong Không quân Mỹ.
Tuy nhiên, chương trình phát triển B-3 của Không quân Mỹ đầy lận đận. Vấn đề đáng chú ý gần đây nhất với B-3 là giá thành và chi phí phát triển dự án.
Các chuyên gia Mỹ trước đây tính toán, giá thành của mỗi máy bay B-3 khoảng 500 triệu USD, nhưng đó chỉ là còn số ước đoán, chi phí của toàn dự án vẫn chưa được hé lộ.
Theo Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng M. Donley tuyên bố sẽ thường xuyên cập nhật chi phí của dự án. Cụ thể, trong năm 2014, B-3 đã được phân bổ 350-370 triệu USD.
Tuy nhiên chi phí dành cho chương trình phát triển máy bay B-3 vừa được công khai khiến không chỉ người Mỹ giật mình.
Cụ thể, Mỹ ước tính chi phí chế tạo máy bay ném bom tầm xa mẫu mới B-3 là 58,2 tỉ USD trong 10 năm tới thay vì dự tính trước đây là 33,1 tỉ USD.
Thông tin này được tiết lộ trong báo cáo của Lực lượng không quân Mỹ gửi Quốc hội.
Vì không hài lòng, nghị sĩ bang California – bà Jackie Speier đã yêu cầu người đứng đầu Không quân Deborah Lee James và Tướng Mark Welsh, tham mưu trưởng của Không lực Mỹ làm rõ việc “đội giá” này.
Do sơ suất, Không lực Mỹ tính toán sai lầm khiến chi phí chênh lệch tới 25 tỉ USD.
“Chúng tôi vô cùng bất ngờ với con số này ngay lúc hay tin” – ông Welsh nói. Sự chênh lệnh giá của máy bay ném bom mẫu mới này là một vụ bê bối ngân sách mới của Không lực Mỹ.
Dù có liên quan đến bê bối hay không thì chương trình B-3 đang là chiếc máy ngốn tiền của Mỹ là sự thật không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, số tiền Mỹ bỏ ra chưa chắc đã mang lại hiệu quả và tiến độ như mong muốn, hãng Sputnik nhận định.
Do đóng vai trò là xương sống của không quân chiến lược Mỹ trong tương lai, thông tin về B-3 rất được săn đón, nhưng giới săn tin mới chỉ có các thông tin rời rạc về dự án này như: B-3 áp dụng sâu công nghệ tàng hình để xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương; khả năng mang vũ khí có và không điều khiển; không chỉ có chức năng tấn công mà còn có khả năng trinh sát, viễn thám…
Do chưa có các thông tin chắc chắn, nhiều khả năng yêu cầu và thời điểm cung cấp máy bay B-3 sẽ còn thay đổi.
Theo kế hoạch ban đầu, Không quân Mỹ sẽ cho trình làng B-3 vào năm 2020, bây giờ là 2025 và chưa lấy gì làm bảo bảo đến thời điểm đó, máy bay B-3 sẽ được ra mắt.
Tiêm kích đắt đỏ nhất của Mỹ
Chương trình tiêm kích F-35 được đánh giá là ngốn nhiều tiền của nhất trong lịch sử của Không quân Mỹ.
Theo dự tính ban đầu, mỗi chiếc F-35 sẽ có giá khoảng 70 triệu USD/chiếc, tuy nhiên do chậm trễ và các lỗi phát sinh, tới đầu năm 2014 giá thành mỗi chiếc F-35 được ước tính đã lên tới trên 145 triệu USD tùy phiên bản.
Và số tiền chi cho mỗi chiếc F-35 hoàn thiện chắc chắn vẫn tăng khi dòng tiêm kích này vẫn liên tiếp gặp lỗi.
Cụ thể, sau khi gặp lỗi không mang đủ đơn vị bom SDB II, tiêm kích F-35 tiếp tục chứng minh sự 'vô dụng' khi không thể nhận diện chuẩn xác mối nguy hiểm.
Trang Breaking Defense dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết:
"Các cảm biến điện tử trên F-35 có nhiệm vụ phát hiện ra các mối đe doạ tiềm tàng như tên lửa, máy bay tấn công, đang thường xuyên đánh giá sai mức độ nguy hiểm của vật thể nó dò tìm được và từ đó cảnh báo sai cho phi công".
Ngoài ra, nhà sản xuất Mỹ vẫn chưa thể trang bị được cho máy bay một cơ sở dữ liệu về những “mối đe doạ” vào phần mềm cài đặt tại trung tâm điều khiển.
Breaking Defense cho biết thêm, cơ sở dữ liệu này trên thực tế là thông tin về các loại vũ khí có thể gây nguy hiểm cho máy bay và được tập hợp lại từ nhiều nguồn thông tin tình báo khác nhau.
Các cảm biến của F-35 quá nhạy cảm và Mỹ sẽ chỉ kịp hoàn thành cơ sở dữ liệu trên cho tới khi chiếc máy bay đi vào hoạt động, Breaking Defense dẫn lời một số chuyên gia quốc phòng nhận định.
Trước khi lỗi cực nguy hiểm này được phát hiện, danh tiếng và sức chiến đấu của phiên bản F-35B bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiết kế khoang mang vũ khí bên trong quá nhỏ, do đó nó không thể mang đủ đơn vị bom thông minh như thiết kế ban đầu.
Thông tin này được Inside Defense dẫn nguồn Văn phòng Chương trình F-35 của Lầu Năm góc cho biết, theo đó, khoang vũ khí bên trong của F-35B quá nhỏ để có thể mang đủ số lượng Bom đường kính nhỏ II (SDB II) như kế hoạch ban đầu, vì vậy sức mạnh của F-35B bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo thiết kế ban đầu, F-35B được trang bị 8 quả bom SDB II bên trong khoang vũ khí, tuy nhiên F-35B có khoang vũ khí bên trong nhỏ hơn nhiều so với F-35A và F-35C do có thiết kế phục vụ cất cánh ngắn - hạ cánh thẳng đứng nên phiên bản này chỉ có thể mang 4 quả thay vì 8 quả SDB II như thiết kế ban đầu.
Ngoài ra, F-35 còn mắc phải vô số lỗi “nực cười” khác như sợ sấm sét, không thể tác chiến ở môi trường có nhiệt độ quá 40 độ C… Những lỗi này có thể khiến F-35 trở thành kẻ vô dụng đắt tiền của Mỹ.