Hiện nay, Trung Quốc có một kho vũ khí chống hạm khổng lồ với 2 loại tên lửa C-801 và C-802. C-801 được người Trung Quốc đánh giá là ngang hàng với tên lửa chống hạm Exocet của Pháp. Đồng thời, tuy không có cách gì chứng minh được, nhưng cũng có nguồn tin cho rằng đúng là C-801 được nghiên cứu phát triển trên cơ sở của Exocet.
Một số quan chức quân sự Mỹ nhận thấy, trong một khoảng thời gian rất ngắn, một số quốc gia có khả năng tiềm tàng trở thành địch thủ của Mỹ (Trung Quốc, Triều Tiên, Iran…) đã sản xuất một số lượng cực lớn, các tên lửa hành trình chống hạm tốc độ dưới âm của Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ cũng đang yêu cầu một nhà thầu tên lửa chế tạo 1 loại tên lửa mô phỏng các loại tên lửa chống hạm tốc độ dưới âm của Trung Quốc để làm bia bắn tập.
Strategypage cho biết, tên lửa chống hạm C-802A được chế tạo trên cơ sở của C-801, có tầm bắn xa nhất là 120km, tốc độ 250m/s. Về kích thước và tính năng của 2 loại tên lửa chống hạm Trung Quốc đều tương đồng với tên lửa chống hạm Exocet, nhưng giá của loại tên lửa Pháp đắt gấp đôi (khoảng 1 triệu USD).
Exocet là tên lửa chống hạm có trọng lượng 670kg, ra đời cách đây đã 30 năm, độ tin cậy của nó đã được khảo nghiệm qua thực tiễn chiến tranh, còn C-802 của Trung Quốc chưa từng được thử lửa nên độ tin cậy không xác định được. Hiện người Trung Quốc vẫn đang nỗ lực cải tiến, nâng cấp loại tên lửa chống hạm này.
Nhằm đúng vào thưc tiễn trên, hiện hải quân Mỹ đã đặt hàng 1 nhà thầu tên lửa chế tạo 1 loại tên lửa bia, mô phỏng theo cơ chế tên lửa hành trình chống hạm tốc độ dưới âm của Trung Quốc, có thể sử dụng nhiều lần. Loại tên lửa này có tốc độ tối đa 900km/h, tầm phóng 700km, tầm bay thấp so với mực nước biển chỉ khoảng 1m.
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, hiện ngày càng nhiều quốc gia đã mua sắm hoặc tự chế tạo các loại tên lửa hành trình chống hạm tốc độ cao. Thế nhưng, điều đặc biệt làm Mỹ lo lắng là các loại tàu ngầm và tàu mặt nước sử dụng tên lửa hành trình chống hạm thế hệ 3M-54 của Nga.
Tên lửa chống hạm 3M-54 đã được trang bị trên các tàu ngầm và tàu nổi của Nga. Ngoài ra, nó còn được trang bị trên các tàu ngầm Kilo bán cho 1 số nước khác như Trung Quốc, Algieria, Việt Nam… và các một số khinh hạm Talwal đời đầu xuất khẩu sang Ấn Độ. 3M-54E và 3M-54E1 với đầu đạn nặng 250kg và 40kg có khả năng phá tan các tuần dương hạm hàng vạn tấn và đánh chìm hàng không mẫu hạm nên được mệnh danh là các “sát thủ tàu sân bay”.
Theo Strategypage, hiện nay có rất nhiều loại tên lửa chống hạm được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, nhưng không rõ là trong số đó có bao nhiêu loại thực sự có khả năng đánh đắm hoặc làm mất khả năng hoạt động của nó? Hải quân Mỹ rất lo lắng hiện nay mình không có các hệ thống phòng thủ hiệu quả chống lại các loại tên lửa chống hạm này.
Vì vậy, khoảng 10 năm về trước, họ đã nỗ lực phát triển một loại đạn bia, mô phỏng tên lửa chống hạm tốc độ siêu âm và đã đưa vào phục vụ cách đây 3 năm. Loại tên lửa mô phỏng này được đặt tên là GQM-163A “Coyote” có chiều dài 9,4m, trọng lượng 800kg, được trang bị tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và động phản lực ramjet. Vì vậy nó có tầm bắn 110km với vận tốc cao nhất lên tới 2600km/h.
Loại tên lửa giả này được thiết kế để mô phỏng các tên lửa hành trình chống hạm siêu âm nổi tiếng của Nga. Theo tính toán, hải quân Mỹ đã chế tạo ít nhất 39 quả tên lửa chống hạm giả này với giá 515.000 USD/quả. GQM-163A là loại tên lửa đầu tiên của Mỹ sử dụng động cơ phản lực ramjet. Công nghệ này hiện được Mỹ áp dụng trên nhiều loại tên lửa khác.
Hải quân Mỹ hy vọng, sự ra đời của GQM-163A “Coyote” với công nghệ động cơ ramjet vừa giúp họ nâng cao tốc độ của các loại tên lửa hiện đang sử dụng, đồng thời cũng chính là các phương tiện mô phỏng chân thực để giúp hải quân Mỹ huấn luyện khả năng đối phó với tên lửa hành trình chống hạm siêu tốc của Nga và các loại tên lửa hành trình chống hạm khác trên thế giới.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!