Mỹ đánh cắp công nghệ tàng hình từ Liên Xô?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Nhiều người tin rằng Liên Xô đã phát minh ra công nghệ tàng hình trước và Mỹ đã đánh cắp công nghệ này để phát triển các máy bay tàng hình như F-117A và B-2.

Trong bất kì lĩnh vực nào cũng có những điều công chúng tin chắc là đúng nhưng thật ra lại không phải là sự thật. Quân sự cũng không phải là ngoại lệ. Hãy cùng điểm qua top 10 kiến thức sai lầm phổ biến trong quân sự.

1. Phòng tuyến Bar Lev

Phòng tuyến Bar Lev là một hệ thống các công sự được Israel xây dựng dọc bên bờ kênh đào Suez sau khi chiếm được bán đảo Sinai của Ai Cập trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Trong cuộc chiến Yom Kippur diễn ra vào 1973, quân đội Ai Cập tổng tiến công quy mô lớn, vượt kênh Suez và giáng một đòn nặng nề cho quân đội Israel tại Sinai.

Trong nhiều tài liệu quân sự, phòng tuyến Bar Lev thường được mô tả như 1 bức tường thép, hòn đá tảng trong hệ thống phòng thủ Sinai. Và việc quân đội Ai Cập vượt qua Bar Lev được xem là một chiến tích quân sự đáng nể và là một thất bại của phía Israel. Nhưng trên thực tế, đây là một nhận định thiếu chính xác.

 	Một binh sĩ Israel tại cứ điểm dọc bờ kênh Suez

Một binh sĩ Israel tại cứ điểm dọc bờ kênh Suez

Phòng tuyến Bar Lev không được xây dựng để chống lại một cuộc tổng tấn công quy mô lớn như vậy. Quân đội Israel, vốn là bậc thầy của vận động chiến, hiểu rõ hơn ai hết trong chiến tranh hiện đại không có chỗ cho kiểu phòng ngự tập trung dựa trên các công sự cố định như vậy. Sinai được Israel bảo vệ bằng phòng ngự theo chiều sâu. Nền tảng của hệ thống này là ưu thế áp đảo trên không của không quân Israel và các đơn vị thiết giáp được đặt sâu trong Sinai, dùng để phản đột kích trong trường hợp Ai Cập vượt Suez.

Vậy mục đích chính của phòng tuyến Bar Lev là gì? Giai đoạn giữa chiến tranh 6 ngày (1967) và chiến tranh Yom Kippur (1973) được gọi là Chiến tranh tiêu hao, gồm nhiều lần tấn công qua lại của 2 nước cả trên không, trên bộ và trên biển ở quy mô giới hạn. Ngày 1/7/1967, hơn nửa tháng sau thất bại nặng nề trong Chiến tranh 6 ngày, quân đội Ai Cập mở một cuộc đột kích quy mô nhỏ vào thị trấn Ras el Ush bên kia bờ kênh Suez, bao quanh là các đầm lầy nên Israel không thể phát huy ưu thế thiết giáp của mình. Phía Israel phản công, nhưng rút lui sau vài giờ giao tranh với thiệt hại cho cả 2 bên.

Bộ binh cơ giới Israel tuần tra dọc phòng tuyến Bar Lev
Bộ binh cơ giới Israel tuần tra dọc phòng tuyến Bar Lev

Phía Ai Cập cũng thường xuyên pháo kích sang Sinai. Pháo binh là binh chủng mà Ai Cập có ưu thế vượt trội hoàn toàn so với Israel. Như ngày 8/9/1967, Ai Cập đã hơn 10 ngàn quả đạn pháo vào các vị trí của Israel tại Sinai. Tương tự là ngày 26/10/1967, khi pháo binh Ai Cập khai hoả liên tục suốt 9 giờ liền, làm 15 lính Israel thiệt mạng. Những cuộc tấn công liên tục như vậy tuy không làm thay đổi cán cân quân sự giữa 2 bên, và cũng chỉ gây những thiệt hại không đáng kể về mặt quân sự. Nhưng với một đất nước nhỏ như Israel, bất kì thiệt hại nhân mạng nào cũng đắt giá.

Do đó phòng tuyến Bar Lev được xây dựng thứ nhất là để ngăn chặn những cuộc đột kích giới hạn của Ai Cập, và thứ hai là để bảo vệ cho binh lính Israel trước những cuộc pháo kích hay bắn tỉa từ bên kia bờ Suez.

Vì vậy, Bar Lev trên thực tế được xây dựng khá đơn giản. Các công sự được xây dựng chủ yếu bằng cách dùng các rọ đá, và tận dụng các thanh ray xe lửa cũ làm thanh dầm. Quy mô lực lượng đồn trú cũng rất hạn chế. Tổng cộng Bar Lev chỉ có khoảng 30 cứ điểm, với khoảng cách giữa mỗi cứ điểm lên đến 15 km. Trung bình mỗi cứ điểm chỉ có trên dưới 30 lính đồn trú thường xuyên. Bản thân kênh đào Suez, mệnh danh là hào chống tăng lớn nhất thế giới, cùng bức tường cát bên bờ kênh, gây nhiều trở ngại cho phía Ai Cập hơn là Bar Lev.

Một công sự của phòng tuyến Bar Lev, với vật liệu chính là các rọ đá và thanh ray xe lửa
Một công sự của phòng tuyến Bar Lev, với vật liệu chính là các rọ đá và thanh ray xe lửa

Không thể phủ nhận rằng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến Yom Kippur, cuộc tổng tiến công của phía Ai Cập diễn ra rất thành công, họ vượt qua kênh Suez, tiến sâu vào bán đảo Sinai và khiến quân đội Israel hứng chịu tổn thất nặng nề. Nhưng thành công này có nguyên nhân chính từ yếu tố bất ngờ, phương tiện và cách thức đối phó với không quân và thiết giáp Israel. Việc vượt qua phòng tuyến Bar Lev chỉ đóng một vai trò nhỏ trong toàn bộ diễn tiến của cuộc tấn công và chủ yếu mang tính biểu tượng.

Radar thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina của quân đội Ai Cập, một trong những nguyên nhân chính cho thành công trong giai đoạn đầu của cuộc chiến
Radar thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina của quân đội Ai Cập, một trong những nguyên nhân chính cho thành công trong giai đoạn đầu của cuộc chiến

2. Mỹ đánh cắp công nghệ tàng hình từ Liên Xô

Một niềm tin khá phổ biến là chính Liên Xô đã phát minh ra công nghệ tàng hình trước, và Mỹ bằng cách nào đó đã đánh cắp được công nghệ này để phát triển các máy bay tàng hình như F-117A và B-2. Nhưng thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.

Ngay từ trong Thế chiến thứ 2, người Đức đã phát triển một nguyên mẫu máy bay ném bom tàng hình đầu tiên, chiếc Horton 229, sử dụng nhiều nguyên lý sau này được ứng dụng trên các mẫu máy bay tàng hình thực thụ. Horton 229 không kịp hoàn thành trước khi chiến tranh kết thúc. Nhưng đến năm 2009, các kỹ sư Mỹ dựng lại mô hình và tính toán khả năng tránh radar trên thực tế của nó. Theo đó, nếu như các máy bay ném bom thông thường của Đức khi đó bị radar phát hiện khi còn cách mục tiêu 19 phút bay, thì con số này của 229 chỉ là 8 phút, một sự cải thiện rất đáng kể.

Mô hình tái tạo chiếc Horton 229
Mô hình tái tạo chiếc Horton 229
Chiếc SR-71 Blackbird
Chiếc SR-71 Blackbird

Tại Mỹ, ngay trong giai đoạn sau Thế chiến thứ 2 đã có nhiều chương trình phát triển máy bay có ứng dụng các nguyên lý tàng hình. Tiêu biểu là chiếc SR-71 Blackbird. Mẫu máy bay do thám chiến lược này nổi tiếng với tốc độ và trần bay của mình, nhưng đồng thời cũng có diện tích bề mặt phản xạ radar rất nhỏ so với kích thước của mình, chỉ 0.014 mét vuông. Tuy chưa thể được gọi là 1 máy bay tàng hình thực thụ, nhưng đây cũng là một con số rất ấn tượng. Để so sánh thì thông số này của máy bay ném bom B-1B là 1 mét vuông.

Năm 1961, một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Nga tên Pyotr Ufimtsev thực hiện một nghiên cứu, dựa trên công trình của nhà vật lý Jame Clark Maxwell, dùng để tính toán giá trị diện tích bề mặt phản xạ radar của một vật thể có hình dạng bất kì. Ufimtsev trình bày nghiên cứu của mình trong một hội nghị khoa học ở Moscow. Ông cũng xuất bản rộng rãi ra công chúng công trình của mình vào 1962. Công trình này được dịch sang tiếng Anh năm 1971.

Nhà vật lý Pyotr Ufimtsev

Công trình của Ufimtsev đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển các máy bay tàng hình, vì nó lần đầu tiên cung cấp một công cụ giúp dự đoán chính xác diện tích bề mặt phản xạ radar của một mẫu thiết kế máy bay. Tuy nhiên các nguyên lý cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về công nghệ tàng hình đã xuất hiện trước đó khá lâu.

Ngoài ra, bản chất của công trình này là một nghiên cứu lý thuyết chứ không phải "công nghệ", vì bản thân nó chưa có tính ứng dụng thực tế. Đó là lí do Ufimtsev có thể công bố rộng rãi công trình của mình ra công chúng, vì vào thời điểm đó, Liên Xô hoàn toàn không nhận thấy tính hữu ích của công trình này. Thậm chí Ufimtsev suýt không nhận được bằng tiến sĩ vì giáo sư hướng dẫn không đánh giá cao nghiên cứu của ông.

Và vì công trình của Ufimtsev được công bố ra cho cộng đồng khoa học quốc tế nên bất kì ai cũng có thể sử dụng nó, hoàn toàn không cần thiết phải nhờ đến nghiệp vụ tình báo để ‘đánh cắp’. Nhưng không phải ai cũng có thể biến một nghiên cứu lý thuyết thành một công nghệ ứng dụng trong thực tế. Và ngoài ra, còn cần có nhiều công trình khoa học khác bên cạnh lý thuyết của Ufimtsev để có thể phát triển thành công một máy bay tàng hình thực thụ. Đó là lí do vì sao cho đến nay ngoài Mỹ thì vẫn chưa có quốc gia nào khác có máy bay tàng hình sử dụng trong thực tế.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại