Nguồn tin từ tạp chí National Defense của Nga cho biết, từ ngày 21-25 tháng 6 vừa qua, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại đảo Guam. Không phải là các tên lửa đánh chặn tốc độ cao hay hệ thống laze, thiết bị này có khả năng tạo một lớp sương mù bào vệ tàu chiến trước các mối đe dọa từ tên lửa chống hạm. Các chuyên gia Mỹ giải thích rằng, lớp sương mù này bao gồm các hạt carbon có thể hấp thụ sóng vô tuyến, điều này làm radar tìm kiếm trên các tên lửa bị mất mục tiêu khiến tên lửa bay chệch hướng.
Cuộc thử nghiệm mang mật danh "Sương mù Pandora" có sự tham gia của 2 tàu khu trục lớp Arleigh Burke là tàu USS Mustin, USS Wayne E. Meyer (DDG-108) cùng tàu hỗ trợ tàu ngầm USS Frank Cable (AS-40). Trong cuộc diễn tập này, tàu USS Frank Cable đóng vai trò là mục tiêu giả định thay thế cho tàu sân bay (hoặc các tàu cỡ lớn như tàu đổ bộ). Sau khi phát hiện tên lửa chống hạm, thiết bị trên 2 tàu USS Mustin (DDG-89) và USS Wayne E. Meyer đã tự động phóng sương mù chứa các hạt carbon và nhờ đó đã bảo vệ thành công tàu USS Frank Cable.
Hình ảnh từ cuộc thử nghiệm.
Đại diện Hải quân Mỹ không cho biết rõ liệu rằng tên lửa sử dụng trong cuộc thử nghiệm dùng đầu dò chủ động hay không nhưng trong phần lớn các cuộc thử nghiệm trước đây đều không sử dụng tên lửa có đầu dò. Các thông tin thu thập từ các tàu chiến khác cũng như máy bay và trực thăng cho thấy radar của tên lửa không thể "nhìn" xuyên qua lớp sương mù dày đặc này.
Việc phát triển một thiết bị phòng thủ tên lửa như vậy rất có ý nghĩa và điều quan trọng hơn cả là chi phí của hệ thống này rất rẻ so với các hệ thống khác. Không chỉ sử dụng để bảo vệ các mục tiêu có kích thước lớn, hệ thống tạo sương mù này còn có thể trang bị các tàu chiến cỡ nhỏ. Nhìn lại các cuộc hải chiến ở Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai thì khói được sử dụng phổ biến ở các bên tham chiến. Và không chỉ dùng để phòng thủ, lớp khói ngụy trang còn được sử dụng cho mục đích tấn công, ví dụ như các tàu phóng lôi khi tham chiến thường phát ra màn khói nhằm cản trở tầm quan sát của pháo hạm đối phương.
Nhưng sử dụng sương mù nhằm phòng thủ tên lửa cũng có 1 số vấn đề như làm thế nào để nó có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết gió to hay mưa bão? Cần biết rằng lớp sương mù chứa các hạt carbon này không những làm mù radar tên lửa đối phương mà còn ảnh hưởng đến các radar phát hiện mục tiêu trên tàu mẹ, việc sử dụng hệ thống này có thể là 1 con dao 2 lưỡi.
Nhà sản xuất cũng không cho biết rõ liệu hệ thống trên có thể phòng thủ trước các loại tên lửa có đầu dò hồng ngoại hay không vì bản thân hệ thống phóng mồi bẫy sương mù cũng tạo ra nhiệt lượng là điểm yếu dễ bị tên lửa có đầu dò hồng ngoại tấn công.
Cuộc thử nghiệm "Sương mù Pandora" diễn ra sau khi Hải quân Mỹ hoàn thành cuộc điều tra về sự cố xảy ra với tuần dương hạm USS Chancellorsville (CG-62) lớp Ticonderoga vào ngày 16-10-2013. Trong ngày hôm đó, con tàu đã tiến hành thử nghiệm hệ thống Aegis thế hệ mới kết hợp tiêu diệt các mục tiêu giả định trên không và trên biển. Một bia bay không người lái loại BQM-74 đã mất điều khiển và đâm vào con tàu. May mắn là không có thiệt hại lớn về người và chỉ có 2 thủy thủ bị thương nhưng thiệt hại này sẽ không nhỏ nếu đó không phải là bia bay mà là 1 tên lửa chống hạm. Tàu USS Chancellorsville sau sự cố này đã phải nằm sửa chữa trong vòng nửa năm.
Tàu USS Chancellorsville sau khi bị bia bay BQM-74 đâm trúng.
Điều gì đã xảy ra? Tại vì sao 1 con tàu được trang bị những hệ thống phòng thủ tối tân nhất trên thế giới như tàu USS Chancellorsville lại gặp sự cố như vậy? Các số liệu từ cuộc điều tra cho thấy, sự cố này xảy ra do yếu tố con người. Hệ thống Aegis trong cuộc thử nghiệm nói trên đóng vai trò phát hiện mục tiêu để người vận hành ra lệnh tiêu diệt bằng tên lửa (hệ thống tiêu diệt tự động đã bị ngắt). Sĩ quan vận hành đã không thực hiện tốt hoặc anh ta không hiểu chuyện gì đang diễn ra nên không thể xử lý đúng.
Bia bay BQM-74 sau khi được phóng đi đã mất điều khiển và bay hướng về phía con tàu. Bản thân bia bay này đã được lập trinh để tự hủy khi cách tàu 4,63km nhưng điều này đã không xảy ra. Hệ thống CIWS Phalanx đã phát lệnh tiêu diệt mục tiêu trên màn hình điều khiển. Sĩ quan trực tiếp vận hành hệ thống Phalanx đã báo cáo cấp trên yêu cầu được tiêu diệt mục tiêu như bị từ chối. Chỉ đến khi sĩ quan phụ trách thử nghiệm thông báo rằng bia bay đã bị mất điều khiển, lúc này là 13h14'17", thì tất cả mới nhận ra nhưng lúc này đã quá muộn. Báo cáo cũng chỉ ra rằng kíp điều khiển không sử dụng bất kỳ chất kích thích nào như: cần sa, bia, rượu,... trước cuộc thử nghiệm và đây hoàn toàn do lỗi sơ suất.
3 nguyên nhân chính được chỉ ra trong vụ tai nạn trên: đầu tiên là việc mất điều khiển giữa tàu mẹ và bia bay, thứ 2 là việc thiếu tự tin cũng như thiếu sót trong trách nhiệm của sĩ quan vận hành, thứ 3 là việc thay đổi trong hệ thống tự động phản ứng của con tàu. Điều này chỉ ra rằng bản thân trong hệ thống, dù là có tối tân thế nào đi nữa cũng xảy ra lỗi.
Nói một cách khác, Hải quân Mỹ cần thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa khác và cuộc thử nghiệm "Sương mù Pandora" đã chứng minh điều này. Đặc biệt khi các mối lo ngại về nguy cơ đến từ tên lửa chống hạm của Trung Quốc như C-602, C-805 và DF-21D đang ngày càng tăng cao với các chỉ huy Hải quân Mỹ,
Trung Quốc hiện nay đang tăng cường sức mạnh Hải quân để đối đầu với Hải quân Mỹ. Tên lửa đạn đạo DF-21D đã đạt được những mốc quan trọng đầu tiên trong quá trình thử nghiệm với khả năng tấn công bằng đầu đạn thông thường ở khoảng cách 1.450km với độ chính xác cao. Những hình ảnh chụp từ sa mạc Gobi cho thấy tên lửa DF-21D đã đánh trúng một mục tiêu dài 200m mô phỏng tàu sân bay.
Các tên lửa DF-21D được dẫn đường từ vệ tinh và nhằm tăng khả năng chính xác, Trung Quốc đã thực hiện thử nghiệm kết hợp cùng với các máy bay trinh sát. Hiện nay, Trung Quốc đã triển khai đủ số lượng vệ tinh giúp tên lửa DF-21D có thể bắn chính xác. Với động năng của tên lửa khi đánh trúng mục tiêu sẽ không cho phép nó có cơ hội sống sót.
Ảnh đồ họa vũ khí siêu vượt âm WU-14 của Trung Quốc.
Ngoài DF-21D, vào ngày 09-01-2014, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm WU-14 (có một số nguồn gọi là DF-26), loại vũ khí này có tốc độ bay lên đến 10 Mach và tầm bắn lên đến 3.200km. Các chuyên gia Mỹ đã tính toán rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai của Mỹ chỉ có thể tiêu diệt được tên lửa bay với vận tốc 5 Mach, điều này có nghĩa rằng khả năng đánh chặn WU-14 là không thể.
Trong khi đó, tên lửa DF-21D có thể sử dụng nhiều đầu đạn để tiêu diệt cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau và nhằm cung cấp thông tin chính xác nhất thì DF-21D còn cần các radar dẫn bắn qua đường chân trời.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng vừa trình làng mẫu tên lửa tiêu diệt radar PL-16 được quảng cáo là vượt trội hoàn toàn loại tên lửa tương tự của Mỹ là loại AGM-88 HARM. PL-16 có tốc độ bay lên đến 2.880km/giờ và được sử dụng nhằm mục đích tiêu diệt các radar trên mặt đất hoặc radar của hệ thống Aegis. Nếu PL-16 đánh trúng mục tiêu thì trên 60% các thiết bị điện tử trên tàu chiến của Mỹ sẽ bị tê liệt và trong trường hợp này thì hệ thống sương mù cũng không thể giúp được con tàu.