Mỹ có phải hối hận khi mua Iron Dome?

Ly Vy |

Mỹ có thể trở thành quốc gia đầu tiên nhập khẩu hệ thống Iron Dome (Vòm sắt) của Israel - Trang mạng tiếng Nga military-informant đưa tin hôm 2/11.

Hiện tại, có một số quốc gia khác cũng quan tâm đến hệ thống này là Ba Lan, Ukraine và Hàn Quốc.

Hệ thống Iron Dome khai hỏa.

Hệ thống Iron Dome khai hỏa.

Mỹ ban đầu không tin tưởng vào triển vọng của hệ thống Iron Dome nên không tham gia tài trợ ngay cho việc phát triển dự án này như các dự án quốc phòng khác của Israel. 2 khẩu đội Iron Dome đầu tiên do Bộ quốc phòng Israel tài trợ hoàn toàn, tới các hệ thống sau, Mỹ mới bắt đầu tham gia tài trợ.

Trong một bài viết hồi đầu tháng 10 năm nay, Reuters cho hay Washington từ chối mua Iron Dome để trang bị cho lực lượng tác chiến ở Iraq và Afghanistan do giá thành của 1 quả tên lửa dùng cho Iron Dome khá cao, lên đến 100.000 USD và nó không phù hợp đánh chặn đạn cối của quân nổi dậy.

Tuy nhiên, gần đây, công ty Rafale (Israel) và Tập đoàn Raytheon (Mỹ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác cùng phát triển hệ thống Iron Dome. Giá thành của tên lửa đánh chặn nhờ vậy mà có thể được hạ xuống. Bên cạnh đó, sản phẩm từ quá trình hợp tác giữa 2 phía có tiềm năng phục vụ xuất khẩu. Có lẽ, những lý do này đã phần nào thuyết phục được Mỹ.

Bên cạnh đó, theo tờ Israel National News, Mỹ đã bị choáng ngợp bởi những gì mà Iron Dome thể hiện trong thời gian qua. Hồi tháng 7 năm nay, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Israel tuyên bố các tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm ngắn Iron Dome trong chiến dịch "Bảo vệ biên giới" đã đánh chặn thành công 86% tên lửa phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas phóng vào lãnh thổ nước này.

Theo military-informant, hiện tại, Washington quyết định mua 1 hệ thống Iron Dome nhằm thử nghiệm ở các môi trường tác chiến khác nhau và sau đó tiến tới trang bị cho các lực lượng Mỹ đang hoạt động tại những khu vực xung đột.

Hình ảnh 3 quả đạn của hệ thống Iron Dome đánh chặn thành công 3 quả rocket phóng vào lãnh thổ Israel.

Hình ảnh 3 quả đạn của hệ thống Iron Dome đánh chặn thành công 3 quả rocket phóng vào lãnh thổ Israel.

Mặc dù theo tuyên bố của Israel, Iron Dome đã thể hiện hiệu quả cao trong các cuộc xung đột gần đây nhưng trên thực tế, hệ thống này vẫn chưa gặt hái được thành công trên thị trường quốc tế.

Ngoài lý do giá thành, Israel giới hạn khách hàng (không bán cho những nước Israel không có quan hệ ngoại giao) thì còn có một nguyên nhân rất lớn khác là các chuyên gia vẫn nghi ngờ hiệu quả của hệ thống này. Chuyên gia an ninh quốc gia và công nghệ, ông Ted Postol thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) từng lên tiếng cảnh báo Washington có thể đã bị "đánh lừa" bởi những tuyên bố của Israel về hiệu quả của Iron Dome.

Theo ông Postol, một ứng dụng liên lạc cảnh báo thông minh đơn giản, cái gọi là ứng dụng “Màu đỏ” (Color Red), đang làm được nhiều việc và hiệu quả trong việc cứu sống người dân Israel hơn so với “Vòm sắt”. Color Red gần đây được kết hợp với Yo, một công cụ thông tin để đưa ra các cảnh báo thời gian thực của những tên lửa đang bay đến.

“Vòm sắt” hoạt động bằng cách bắn tên lửa đánh chặn những quả rocket của Hamas trong lúc đang bay, sử dụng radar theo dõi và định hướng. Nhưng việc theo dõi và định hướng này đang hoạt động không hiệu quả và đang điều khiển các tên lửa của "Vòm sắt" xuất kích không vào những điểm đánh chặn tối ưu. Hơn nữa, đó không phải là vấn đề duy nhất. Các tên lửa đánh chặn của "Vòm sắt" không trực tiếp kích nổ nhiều như từng thấy mà đó là do sự kích nổ của Laser Fuse, một chùm tia (khu vực màu xanh trong biểu đồ) có khả năng phát hiện vị trí những quả rocket Grad của Hamas bắn vào Israel.

Tính toán của ông Postol cho thấy khi tốc độ của tên lửa Grad thay đổi ngoài 1.200 m/s, Fuse Laser không thể phát hiện ra những quả tên lửa này, do đó việc đánh chặn từ phía trước trở nên ít hiệu quả. Tổng cộng, "Vòm sắt" chỉ có thể đánh chặn 20% tên lửa Grad.

"Nếu các tên lửa đánh chặn Iron Dome chạm vào phía sau của tên lửa của đối phương thì về cơ bản không ảnh hưởng đến kết quả của vụ tấn công, các mảnh của tên lửa sẽ rơi vào khu vực phòng thủ và đầu đạn gần như chắc chắn sẽ rơi xuống đất và nổ tung", ông Postol cho biết.

Theo ông Postol, với tỷ lệ đánh chặn thấp, tỷ lệ phá hủy đầu đạn hạn chế và các vấn đề thiếu sót về dữ liệu, tỷ lệ đánh chặn thành công thực tế của Vòm sắt rơi xuống mức "đau khổ": 5%.

Nếu Iron Dome thực sự là “vật vô dụng”, tại sao thương vong của Israel từ các cuộc tấn công tên lửa của Hamas lại rất thấp, chỉ có vài nạn nhân ở phía Israel? Ông Postol cho rằng đó là nhờ vào hệ thống cảnh báo sớm của Israel. Hệ thống này sẽ giúp cho phía Israel có ít nhất là 10 giây để tìm nơi trú ẩn trước khi tên lửa của đối phương phát nổ. Thời gian cảnh báo thực tế có thể lâu hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại