Theo Franz-Stefan Gady, chuyên gia về lĩnh vực quan hệ dân - quân sự và ngoại giao an ninh mạng, các tàu ngầm chạy bằng động cơ điện - diesel của Nga, Trung Quốc và Iran từ lâu đã trở thành cái gai trong con mắt của hải quân Mỹ.
Bởi vì chúng có khả năng tàng hình và lẩn tránh tốt hơn so với tàu ngầm hạt nhân, rất khó bị phát hiện.
"Tuy không có khả năng di chuyển trong phạm vi xa, tốc độ hạn chế, nhưng các tàu ngầm diesel - điện có khả năng chống lại sự tiếp cận của hải quân Mỹ tại các vùng ven biển chiến lược, có thể gây đứt đoạn giao thương hàng hải…
Được trang bị các hệ thống tuần hoàn khí độc lập (AIP) và pin lithium - ion hiện đại, thế hệ tiếp theo của các tàu ngầm điện - diesel sẽ còn khó bị theo dõi và tiêu diệt hơn trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột hải quân", vị chuyên gia người Mỹ này bình luận.
Ảnh đồ họa về "Thợ săn biển" mà Hải quân Mỹ đang hoàn thiện. Ảnh: SAIC
Để đối phó lại "mối đe dọa bất đối xứng" này, quân đội Mỹ và Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) đã khởi động một dự án nhằm thiết kế một mẫu tàu robot không người lái có khả năng đeo bám tàu ngầm điện - diesel của đối phương.
Tàu do thám tàu ngầm không người lái (ACTUV) sẽ báo cho tàu chiến Mỹ tọa độ của đối phương để tiêu diệt, nó được cho là có thể tự vận hành liên tục đến 90 ngày.
Khi một phát hiện ra tàu ngầm của đối phương, mẫu tàu được mệnh danh là “Thợ săn biển” (Sea Hunter) này sẽ hướng dẫn các tàu chiến của Mỹ đến vị trí của chiếc tàu ngầm và tiêu diệt. Mẫu ACTUV sẽ được chạy thử nghiệm rộng rãi trong mùa thu năm nay.
Trước đó, chuyên gia công nghệ người Mỹ Patrick Tucker tiết lộ rằng mẫu "tàu ma" đã vượt qua một cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, tiến gần đến bước biên chế trong hải quân Mỹ.
Ông này nói rằng, các robot "tàu ma" trên có thể làm thay đổi cuộc chơi không chỉ trong tác chiến hải quân, mà còn cả ở cách thức tương tác giữa con người, tàu thuyền và hệ thống robot trên các vùng biển toàn cầu.