Tờ Tuổi trẻ TP. HCM đưa tin, ngày 6/5 giờ Mỹ (sáng 7/5 giờ Việt Nam), Lầu Năm Góc đã công bố bản báo cáo thường niên “Diễn biến an ninh và hàng hải liên quan đến Trung Quốc năm 2013” dài 83 trang đã được trình quốc hội.
Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức và trực tiếp cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện các vụ tấn công tin tặc để đánh cắp bí mật quốc phòng của Mỹ. “Chính phủ Mỹ tiếp tục là mục tiêu của các vụ tấn công tin tặc. Một số vụ bắt nguồn trực tiếp từ chính phủ và quân đội Trung Quốc”, báo cáo nêu rõ.
Ông David Helvey, quan chức Lầu Năm Góc phụ trách Đông Á, khẳng định báo cáo này phản ánh quan điểm của Chính phủ Mỹ và dựa trên sự thật chứ không phải tin đồn.
Theo báo cáo, Trung Quốc đã mở chiến dịch tấn công dữ dội trên mạng trong những năm qua, đặc biệt là năm 2012, với mục tiêu là các hệ thống mạng của Chính phủ Mỹ. “Trung Quốc đang sử dụng các khả năng mạng của mình để thu thập thông tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, vốn hỗ trợ các chương trình quốc phòng quốc gia của Mỹ”, báo cáo khẳng định.
Trung Quốc đã sử dụng những bí mật công nghệ quốc phòng đánh cắp được, đặc biệt từ Mỹ, để phát triển các loại vũ khí hiện đại. Đầu tiên phải kể đến tàu sân bay Liêu Ninh, mà theo các chuyên gia Lầu Năm Góc, sẽ được triển khai hoạt động ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Tiếp theo là máy bay chiến đấu tàng hình J-15 có khả năng đậu và cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Dự kiến đến năm 2018 loại máy bay mới này sẽ được đưa vào hoạt động.
Trung Quốc cũng đang âm thầm sản xuất loại máy bay chiến đấu tàng hình nhỏ hơn là J-20 và phát triển máy bay tàng hình không người lái. Ngoài ra, không thể không nhắc đến loại tên lửa chống tàu Đông Phong DF-21D, có tầm bắn khoảng 1.500km và có khả năng phá hủy các tàu quân sự lớn, kể cả tàu sân bay. Lầu Năm Góc hiện chưa rõ Trung Quốc đang sở hữu bao nhiêu tên lửa Đông Phong và hiện đang triển khai chúng ở đâu.
Ông David Helvey nhấn mạnh điều đáng lo ngại là tất cả các loại vũ khí này đều nhằm phục vụ chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương. “Các vũ khí này có thể phối hợp tạo thành một hệ thống ngăn chặn hoạt động quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương”, ông Helvey nhấn mạnh.
Theo giới quân sự quốc tế, từ thập niên 1990, quân đội Trung Quốc đã phát triển chiến lược này để đối phó với khả năng quân Mỹ tiếp cận eo biển Đài Loan và biển Đông trong trường hợp nổ ra xung đột khi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo tại khu vực này. Báo cáo của Lầu Năm Góc không quên cảnh báo Bắc Kinh đang ngày càng “hung hãn” với yêu sách đòi chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và toàn bộ biển Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Trung Quốc tấn công hệ thống mạng của Mỹ, nhưng trước đó Mỹ chỉ cáo buộc các cuộc tấn công nhằm ăn cắp thông tin thương mại. Đây là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng để ăn cắp thông tin kỹ thuật quân sự.
Với tàu sân bay Liêu Ninh, thực tế nó là tàu được phục hồi lại từ tàu cũ mua của Ukraine, với mục đích ban đầu là mua về để cải tạo làm sòng bài.
Thời điểm trước năm 2000 Trung Quốc luôn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng từ hơn chục năm trở lại đây số lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc đang giảm dần, tới năm 2011 tụt xuống vị trí thứ 4. Vì Trung Quốc đã tự sản xuất được nhiều vũ khí, khí tài công nghệ cao mà trước đây nước này phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để đạt được thành công đó Trung Quốc đã sao chép, đánh cắp công nghệ quân sự của nước ngoài với quy mô lớn, đặc biệt là của Nga.
Theo các chuyên gia, máy bay J-11 của Trung Quốc dự kiến trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh là bản sao của máy bay Su-27 của Nga; hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc nhiều người tien rằng đã sử dụng công nghệ tương tự hệ thống tên lửa S-300 của Nga và Patriot của Mỹ…
Trước việc bị Trung Quốc ăn cắp công nghệ vũ khí, mới đây Nga đã tử chối bán cho Trung Quốc chiến đấu cơ Su-35, còn năm 2009 là từ chối bán Su-33…