Ngày 25/7, Marie Harf, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: cuộc phóng thử này xảy ra thứ Tư tuần qua, và việc Trung Quốc tiếp tục phát triển và phóng thử tên lửa chống vệ tinh này đe dọa an ninh lâu dài và sự bền vững của môi trường ngoài vũ trụ mà tất cả các nước trên thế giới đều lệ thuộc.
Ảnh: Tranh biếm họa Trung Quốc phóng thử tên lửa tiêu diệt vệ tinh, Mỹ lo ngại
Trước đó, Tân Hoa Xã dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa này được tiến hành thành công. Cuộc phóng thử được thực hiện từ bệ phóng trên bộ và trong lãnh thổ Trung Quốc.
Bộ quốc phòng Trung Quốc cũng nêu cuộc phóng thử “đạt được các mục tiêu mong muốn” mà không cho biết thêm chi tiết.
Tân Hoa Xã không nói đó là một loại tên lửa chống vệ tinh. Hãng thông tấn này khẳng định các cuộc phóng thử này tăng cường khả năng phòng thủ của Trung Quốc chống lại các loại tên lửa đạn đạo.
Đây là cuộc phóng thử thứ ba của PLA. Hồi đầu năm 2013, giới truyền thông Trung Quốc dẫn tuyên bố của PLA rằng họ tiến hành thành công một cuộc phóng thử tên lửa tiêu diệt vệ tinh tầm trung bình từ bệ phóng trên bộ.
Lúc đó, giới truyền thông nói cuộc phóng thử này liên quan nhiều công nghệ mang tính nhạy cảm cao, dùng để “phát hiện, theo dõi và hủy diệt một tên lửa đạn đạo bay ngoài không gian”.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin tương tự vào ngày 11/1/2010, sau cuộc phóng thử đầu tiên. Khi ấy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trấn an thế giới: “Cuộc phóng thử này mang tính chất phòng thủ, không nhắm vào bất kỳ nước nào”.
Tân Hoa Xã cũng làm rõ, rằng cuộc phóng thử “không tạo ra những mảnh vỡ vũ trụ trong quỹ đạo trái đất, không là nỗi đe dọa cho sự an toàn của tàu không gian”. Theo trang Global Security, giới tình báo Mỹ nói năm 2010, vụ phóng thử tên lửa chống tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc là sử dụng một tên lửa SC-19, phóng từ Tổ hợp thử tên lửa Korla ở miền Tây.
Tên lửa này ngăn chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung bình CSS-X-11, vốn được phóng từ Trung tâm tên lửa và không gian Shuangchengzi cách Korla khoảng 1.100 km.
Global Security cũng nêu tên lửa SC-19 cũng được sử dụng vào nhiều cuộc phóng thử tên lửa trực tiếp tiêu diệt vệ tinh, gồm lần phóng thử năm 2007 mà Trung Quốc bắn tan một trong những vệ tinh dự báo thời tiết của chính họ.
Ngày 25/7 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói ngày 11/1/2007, Trung Quốc đã có cuộc phóng thử một tên lửa, khiến tạo ra nhiều mảnh vỡ nguy hiểm trong vũ trụ.