Tạp chí Forbes (Mỹ) đăng tải bài viết nhận định về mối đe dọa từ sức mạnh hạt nhân của Nga đối với Mỹ.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Tổng thống Putin đang phớt lờ những yêu cầu từ Washington và do đó ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Âu có nguy cơ bị xói mòn nghiêm trọng. Sau khi chứng kiến chính quyền ông Obama tránh can dự vào những hoạt động quân sự ở nước ngoài trong suốt 6 năm qua, Tổng thống Putin cảm thấy mình đang ở "cửa trên" so với NATO ở những nước láng giềng với Nga, và do đó sẽ tiếp tục với chính sách cứng rắn với những vùng lãnh thổ có đông người gốc Nga sinh sống. Đây không phải là một hành động bốc đồng mà đã được toan tính kỹ càng và ông Putin tin chắc mình sẽ chiếm ưu thế trước phương Tây.
Lý do chính cho sự tự tin này không phải do khoảng cách địa lý gần với nước Nga hay ưu thế quân sự so với những nước láng giềng, mà đó là lực lượng hạt nhân chiến lược Nga đã được hiện đại hóa, mà phương Tây hiện không có cách chế ngự. Mặc dù Mỹ cũng có kho vũ khí hạt nhân tương đương hay hơn của Nga nhưng họ không thể ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân từ Nga nhắm vào đất Mỹ hay bất kì quốc gia đồng minh nào của Mỹ. Đó cũng là thông điệp mà Tổng thống Putin muốn nhấn mạnh thông qua cuộc tập trận cách đây hơn một tuần với sự tham gia của các lực lượng hạt nhân chiến lược.
Đích thân Tổng thống Putin theo dõi diễn biến cuộc tập trận này. Ông Putin cho biết đợt diễn tập này đã được lên kế hoạch từ tháng 11, và bao gồm mọi quân binh chủng. Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ thì thông thường những cuộc tập trận như vậy diễn ra vào mùa thu, và do đó có vẻ như nó được nhắm đến NATO và phương Tây.
Truyền thông Nga mô tả cuộc tập trận này mô phỏng một đợt phóng tên lửa đáp trả sau khi tên lửa của đối phương bị phát hiện đang được phóng về phía Nga. Trong đó một tên lửa liên lục địa SS-25 được phóng từ giàn phóng di động, cùng với 2 tên lửa đa đầu đạn SS-N-23 phóng từ 2 tàu ngầm, một ở biển Barents, một ở Thái Bình Dương. 6 tên lửa hành trình cũng được phóng đi từ một máy bay ném bom Tu-95.
Cuộc tập trận này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, Nga bắn thử một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hạt nhân từ Thái Bình Dương. Trực tiếp theo dõi diễn tiến từ Trung tâm chỉ huy quốc gia, ngoài Tổng thống Putin còn có sự hiện diện của Tổng thống 4 quốc gia đồng minh với Nga hiện nay là Belarus, Armenia, Kyrgyzstan, và Tajikistan.
Video cuộc tập trận hạt nhân của Nga
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Mối đe dọa này chưa được đề cập nhiều ở Washington vì giới lãnh đạo tại đây hiện vẫn chưa đánh giá đúng mức quyết tâm của Tổng thống Putin. Đa số nhận xét vẫn cho rằng việc sáp nhập Crimea là một bước đi sai lầm của Nga, mà không thấy rằng đó là một giải pháp của ông Putin nhằm đảo ngược sự suy giảm quyền lực của bản thân và của nước Nga. Trừ phi Mỹ và đồng minh có một phản ứng quyết liệt hơn đối với tham vọng của Nga, Tổng thống Putin chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục với chính sách hiện nay, vốn đã đưa tỷ lệ ủng hộ của công chúng Nga lên đến 80%.
Không có kho vũ khí hạt nhân của mình, Nga chỉ là một cường quốc khu vực thay vì toàn cầu, đúng như những gì Tổng thống Obama và ngoại trưởng Kerry đã mô tả. Nhưng nếu tính đến sức mạnh hạt nhân, Nga là một nguy cơ tiềm tàng cho sự tồn vong của nước Mỹ. Tầm nghiêm trọng của nguy cơ này lớn hơn nhiều so với khủng bố, chiến tranh mạng hay thậm chí vũ khí sinh học, vì nó có thể phá hủy nền tảng một quốc gia chỉ trong một ngày.
Tổng thống Putin nhận định rằng phương Tây sẽ không hành động nếu điều đó dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Không ai dám chắc ông Putin sẽ thực sự làm gì nếu bị Mỹ ngáng đường, nhưng việc Nga có khả năng làm gì cũng đủ để ngăn Mỹ có những hành động quyết liệt, ngay cả khi nếu Nga tấn công toàn bộ Ukraine. Vì vậy, Mỹ và đồng minh cần có công cụ để khắc chế mối đe dọa hạt nhân từ Nga, nếu như không muốn thấy chính quyền ông Putin tiếp tục với giấc mơ hồi sinh một Liên bang Xô viết.
Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống phòng thủ tên lửa cần được quan tâm hơn so với hiện nay. Mỹ hiện chi khoảng 1% trong 600 tỷ USD ngân sách quốc phòng cho công tác phòng thủ chống tên lửa, và đa số là để bảo vệ đồng minh hoặc lực lượng quân sự ở hải ngoại, thay vì chính lãnh thổ Mỹ. Kể từ sau thời Tổng thống Reagan, Mỹ gần như từ bỏ việc theo đuổi xây dựng lá chắn phòng vệ quốc gia với lý do thách thức về công nghệ là quá lớn và việc Liên Xô tan rã khiến nguy cơ chiến tranh hạt nhân giảm đáng kể.
Tuy cả 2 lý do trên vẫn đúng trong 25 năm qua, nhưng gần đây đã có nhiều sự thay đổi lớn. Những công nghệ mới liên quan đến phòng thủ tên lửa đã ra đời và được hoàn thiện. Cùng lúc đó Nga đang hồi phục và bắt đầu cho thấy tham vọng bành trướng. Vì vậy tiếp tục dựa vào sự cân bằng về sức mạnh hạt nhân như là cách để ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân không còn là lựa chọn tốt nhất nữa.
Sức mạnh hạt nhân của Nga gồm 3 thành tố: tên lửa liên lục địa trên bộ, tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm, và máy bay ném bom chiến lược trang bị tên lửa hành trình có đầu đạn hạt nhân. Về hình thức thì lực lượng này giống với bộ ba hạt nhân của Mỹ, nhưng trên thực tế nó không có sự cân bằng tương tự. Đa phần sức mạnh hạt nhân Nga nằm ở các tên lửa đặt trên bộ (với khoảng 400 tên lửa hiện nay). Số tàu ngầm chiến lược của Nga đa phần hiện ở tại căn cứ, nước này chỉ duy trì 1 tàu được triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đa số máy bay ném bom đã lạc hậu và dễ bị radar phát hiện.
Để khắc chế được sức mạnh hạt nhân trên, Mỹ cần làm 2 điều. Thứ nhất là một hệ thống phòng thủ đa tầng, vì chỉ cần để lọt một vài tên lửa cũng sẽ gây ra thiệt hại khôn lường. Thứ hai là công nghệ sử dụng cho hệ thống này phải đảm bảo hiệu quả chi phí, nghĩa là chi phí để bắn hạ một tên lửa phải nhỏ hơn chi phí để Nga bắn thêm một tên lửa khác, nếu không Nga chỉ đơn giản là mở rộng kho vũ khí của mình để đánh bại hệ thống phòng vệ.
Cho đến nay đa số vẫn xem các nhiệm vụ là bất khả thi, và do đó việc đầu tư vào lĩnh vực này là một sự phí phạm. Và thực sự là về mặt công nghệ, đây là một trong những thách thức lớn nhất. Đặc biệt là vì nó đòi hỏi việc triển khai hệ thống từ không gian, do phần lớn thời gian bay của tên lửa liên lục địa là trong không gian. Tuy nhiên nếu Mỹ không có phương cách nào khác để ngăn chặn đà bành trướng của Nga thì tăng cường đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa có thể là hướng đi hợp lý duy nhất lúc này.