Hôm 26/2/2010, một máy bay ném bom tàng hình B-2 của Không quân Mỹ đã được điều động tham gia bài bay huấn luyện tại căn cứ Không quân đảo Guam trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một trong bốn động cơ phản lực của chiếc máy bay này đã bốc cháy.
Lực lượng cứu hỏa được huy động tới làm nhiệm vụ và phi công đã may mắn thoát chết. Một tờ báo trên đảo Guam đã gọi điện phỏng vấn phát ngôn viên Không quân Mỹ - Trung tá Kenneth Hoffman và ông này khẳng định vụ cháy “không đáng kể”.
Tuy nhiên, sự thật về vụ cháy máy bay ném bom tàng hình B-2 đã được phanh phui sau 4 năm. Vụ việc này được đánh giá là một trong những chuỗi lo lắng của quân đội Mỹ về các vụ tai nạn nghiêm trọng và gây chết người liên quan tới những thế hệ chiến đấu cơ tối tân nhất và đắt tiền nhất này.
Khác xa với nhận định của Trung tá Hoffman khi cho rằng vụ cháy máy bay ném bom B-2 không hề nghiêm trọng, mồi lửa lan từ dưới lớp vỏ hấp thu sóng radar đã khiến chiếc máy bay không thể tham gia bài huấn luyện.
Không quân Mỹ hiện đang sở hữu 20 chiếc máy bay ném bom khủng B-2 và chủ yếu tập trung tại căn cứ Missouri. Máy bay ném bom tàng hình B-2 được đánh giá là những oanh tạc cơ tầm xa duy nhất của Không quân Mỹ có khả năng tiêu diệt các đối thủ hạng nặng.
Trong giai đoạn những năm 1980 đến đầu những năm 2000, Tập đoàn Northrop Grumman đã chế tạo 21 chiếc B-2 cho Không quân Mỹ với tổng chi phí hơn 40 tỷ USD.
Một vài chiếc máy bay ném bom cánh dơi này được huy động tới căn cứ không quân trên đảo Guam nhằm giúp quân đội Mỹ rút ngắn thời gian triển khai tấn công trước các đối thủ tại khu vực Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào năm 2008, một chiếc B-2 khác đã gặp nạn tại đảo Guam và phi đội máy bay ném bom tàng hình B-2 giảm xuống còn 20 chiếc.
Chưa đầy 2 năm sau, Không quân Mỹ tiếp tục mất thêm một chiếc B-2. Hơn một năm sau tuyên bố của Trung tá Hoffman, không ai ngoài lực lượng Không quân Mỹ hay biết về việc máy bay B-2 còn được mệnh danh là “Linh hồn của Washington”đã gặp nạn tại đảo Guam.
Thậm chí, Không quân Mỹ còn không đưa vụ cháy hồi tháng 2/2010 vào bản danh sách các vụ tai nạn liên quan tới máy bay B-2. Tuy nhiên, bài thuyết trình của 2 nhà nghiên cứu quân sự Mỹ hồi tháng 10/2010 đã nhắc tới vụ tai nạn trên. Họ nhấn mạnh rằng phi công đã đối mặt với sự cố bất ngờ khi phải xử lý đám cháy bên dưới lớp vỏ hấp thu sóng radar đặc biệt của máy bay B-2.
Những thông tin do Trung tá Hoffman và Không quân Mỹ cung cấp đã làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng về những sai sót của máy bay B-2. Hồi tháng 8/2011, Tập đoàn Northrop Grumman còn cho công bố câu chuyện “đẹp như mộng” miêu tả những nỗ lực đưa “Linh hồn Washington” trở lại đường bay và việc chiếc máy bay đắt giá này có thể quay trở lại đất liền Mỹ để tham gia sửa chữa thường xuyên.
“Linh hồn Washington” đã mất 2 năm nằm sửa chữa tại Palmdale. Thậm chí, tới tháng 12/2013, một câu chuyện khác mô tả chi tiết quá trình sửa chữa quy mô lớn chiếc máy bay B-2 lại tiếp tục được công bố.
Hôm 16/12/2013, “Linh hồn Washington” đã thực hiện chuyến bay huấn luyện đầu tiên kể từ sau sự cố cháy năm 2010. Chỉ 4 ngày sau, Không quân Mỹ thông báo chiếc máy bay này đã quay trở lại làm nhiện vụ và phi đội B-2 chuyển từ 19 chiếc sang 20 chiếc hoạt động.
Sự cố của chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 nằm trong chuỗi tai nạn của những thế hệ chiến đấu cơ hiện đại nhất của Lầu Năm Góc bao gồm tiêm kích tàng hình F-22 và máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey. Trong đó, V-22 Osprey có tính năng cất cánh và hạ cánh như trực thăng nhưng lại có thể bay nhanh hơn và xa hơn như một chiếc máy bay phản lực.
Trong những năm qua, các phi công điều khiển chiến đấu cơ F-22 đã nhiều lần phàn nàn về triệu chứng giảm oxy trong máu khi đang bay. Tình trạng giảm oxy trong máu khiến phi công bị chóng mặt, nhầm lẫn và mất phương hướng.
Điển hình, đại úy Jeff Haney đã qua đời vào năm 2010 khi điều khiển chiếc F-22 tại Alaska. Trong một chuyến bay huấn luyện, sự cố hệ thống cung cấp khí oxy cho phi công đã khiến Haney mất lái và cỗ máy trị giá gần nửa tỷ USD đâm vào vách núi. Tuy nhiên, Không quân Mỹ vẫn không ngừng đổ lỗi chính phi công đã tự gây ra tai nạn.
Cũng trong năm 2010 tại Afghanistan, một chiếc V-22 bị rơi đã cướp đi sinh mạng của 4 người. Một lần nữa, Không quân Mỹ đổ lỗi cho phi công bất chấp bằng chứng xác nhận các động cơ của V-22 đã gặp lỗi trục trặc kỹ thuật khi đang bay.
Khi Đại tá Donald Harvel phản đối kết luận của Không quân Mỹ, Tập đoàn Boeing đã phát động chiến dịch nhằm bôi nhọ và buộc tướng Harvel phải im lặng.
Dường như Lầu Năm Góc muốn người Mỹ tin rằng các thế hệ chiến đấu cơ đắt giá của nước này hiếm khi gặp sự cố kỹ thuật. Bởi thực tế, những vụ tai nạn và cháy nổ có thể gây hoang mang dư luận cũng như gây tổn thất về kinh tế và chết người.