Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ để vây Trung, hất Nga

Tờ Bình luận Quân sự Kanwa của Canada số tháng 8 nhận định về các hợp đồng chuyển nhượng vũ khí của Mỹ cho Ấn Độ, khẳng định Washington bán vũ khí cho New Dehli là một mũi tên trúng nhiều đích.

Kanwa nhận xét lần đầu tiên trong lịch sử, các trang bị vũ khí của Mỹ được vận chuyển ồ ạt về Ấn Độ, đây là điều chưa từng xuất hiện kể từ Chiến tranh lạnh trở lại đây. Đã từ lâu, Ấn Độ luôn là khách hàng sử dụng vũ khí của Anh, Pháp và các nước châu Âu, đồng thời cũng là khách hàng ruột của các nhà thầu quốc phòng Nga. Tuy nhiên quốc gia này luôn tỏ ra cảnh giác trước hệ thống vũ khí của Mỹ bởi Mỹ vốn là nước cung cấp vũ khí truyền thống cho Pakistan.

 

Kanwa cho rằng, các cuộc hợp tác quân sự chưa từng có trong lịch sử giữa Mỹ và Ấn Độ được xúc tiến rất nhanh. Chưa đầy 5 năm, trong bối cảnh hầu hết các dự án mua sắm vũ khí không tiến hành đấu thầu quốc tế, chính phủ Ấn Độ đã đơn phương quyết định mua sắm vũ khí của Mỹ, ví dụ máy bay vận tải C-17 là một ví dụ điển hình. Không quân Ấn Độ tổng cộng đã mua 14 chiếc máy bay C-17, lực lượng này còn tuyên bố sẽ mua nhiều máy bay C-17 hơn để thay thế loại máy bay vận tải Il-76 đang được sử dụng trong quân đội Ấn Độ do Nga sản xuất. Năm 2012, Mỹ đã bàn giao 5 chiếc máy bay C-17 cho Ấn Độ, năm 2013 bàn giao 4 chiếc, năm 2014 sẽ bàn giao 5 chiếc cuối cùng.

Lần đầu tiên lực lượng không quân Ấn Độ sắm cả 6 chiếc máy bay vận tải loại dài C-130J. Như thế, lực lượng vận tải chiến lược của không quân Ấn Độ gần như đã thay toàn bộ trang bị của Mỹ.

Hải quân Ấn Độ cũng bắt đầu trang bị cho mình loại máy bay tuần biển săn ngầm P-8I. Ấn Độ là khách hàng nước ngoài đầu tiên sử dụng máy bay tuần biển P-8I, tổng cộng quốc gia này nhập khẩu 8 chiếc, năm 2013 là thời điểm nhận hàng.

Những thiết bị nói trên chỉ là thiết bị phục vụ cho công tác trinh sát, hậu cần. Không chỉ dừng ở đó, các loại vũ khí phục vụ cho hoạt động tác chiến của Mỹ cũng nhanh chóng được nhập khẩu vào Ấn Độ. Trong 3 năm tới, một trong những dự án được ưu tiên của lực lượng không quân Ấn Độ là nhập khẩu ít nhất 22 máy bay trực thăng vũ trang Apache. Dĩ nhiên điều này sẽ dẫn đến việc hàng hoạt dự án nhập khẩu vũ khí của Mỹ như tên lửa không đối đất vào Ấn Độ. Chỉ riêng các hợp đồng này đã có trị giá lên tới 1,4 tỉ USD, điều này đồng nghĩa với việc hoạt động đấu thầu cho hợp đồng bán máy bay trực thăng vũ trang Mig-28 của Nga đã thất bại.

Kanwa cho biết Mỹ còn đang tích cực chào bán hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3, máy bay chiến đấu F-35, F-16F cho Ấn Độ, những trang bị này đã nhiều lần tham gia cuộc triển lãm hàng không ở Ấn Độ.

Kanwa phân tích, những dự án hợp tác quân sự nói trên giữa Mỹ và Ấn Độ cho thấy 2 đặc điểm lớn:

Các trang bị quân sự Mỹ chào bán cho Ấn Độ có trình độ công nghệ khá cao, dường như không có bất kỳ sự hạn chế nào, tương đương với trình độ công nghệ của vũ khí bán cho các nước đồng minh của Mỹ.

 

Số vũ khí mà Mỹ bán sang Ấn Độ có trình độ công nghệ cao hơn rất nhiều so với những vũ khí cùng loại xuất khẩu sang Pakistan. Điều này chủ yếu là do Mỹ muốn đề phòng Trung Quốc có thể có những cuộc tiếp xúc quân sự với Pakistan. Mỹ còn có những quy định thẩm tra rất ngặt nghèo đối với Pakistan, không cho phép người Trung Quốc tiếp cận với các trang bị vũ khí của Mỹ vì sợ bị đánh cắp bí mật. Còn đối với Ấn Độ, lại không có những hạn chế này.

Kanwa nhận định, trong các cuộc hợp tác quân sự giữa các nước lớn, nhân tố chính trị thường có vai trò quan trọng hơn nhiều so với bản thân nhu cầu thị trường, cuộc hợp tác quân sự chưa từng có trong lịch sử giữa Mỹ và Ấn Độ, Trung Quốc – Nga cũng tái khởi động dự án chuyển nhượng máy bay chiến đấu Su-35... đều là những nhu cầu xuất phát từ vấn đề địa chính trị trong thực tế chứ không hoàn toàn do tính năng, giá cả của vũ khí quyết định.

Kanwa cho rằng, trang bị vũ khí của Mỹ được đưa vào Ấn Độ là do nhu cầu phát triển quan hệ chiến lược song phương, một mặt Mỹ đã đạt được mục đích gạt thị trường vũ khí Nga ra rìa. Xét trên góc độ chính trị, Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ là một mũi tên trúng hai đích. Trước hết là nhằm mục đích bao vây đối với Trung Quốc, điểm này là cùng chí hướng với Ấn Độ, chính vì thế cả hai nước đều tích cực xúc tiến để thắt chặt vòng vây chiến lược đối với Bắc Kinh. Các hợp đồng chuyển nhượng vũ khí giúp quan hệ hợp tác quân sự mang tính chất đồng minh được thắt chặt thêm một bước.

Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ còn để phát huy vai trò kiềm chế về mặt chính trị, ngoại giao đối với Pakistan. Nếu Islamabad không kiểm soát được chủ nghĩa khủng bố, Mỹ sẽ tiên một bước lớn hơn, bán các loại vũ khí cao cấp hơn cho Ấn Độ để kiềm chế Pakistan.

Xét về ý nghĩa này, các cuộc hợp tác quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ, mục đích đầu tiên là đối phó Trung Quốc, mục đích thứ hai là kiềm chế Pakistan, đối với Nga không có tác dụng ngăn chặn chiến lược quan trọng, mà chỉ làm tổn hại đến lợi ích của Nga trên thị trường vũ khí thế giới.

Kanwa ghi nhận vụ chuyển nhượng vũ khí tiếp theo giữa Mỹ và Ấn Độ đã được khởi động, Ấn Độ đã gần như hoàn thành mọi công việc để có thể ký kết hợp đồng nhập khẩu 15 chiếc máy bay vận tải CH-47F của Mỹ. Mỗi khi Ấn Độ tiếp nhận một lô vũ khí mới của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Nga hoặc châu Âu sẽ mất đi một hợp đồng có giá trị tương đương.

Điều lạ nhất là trước đây Ấn Độ luôn coi trọng chính sách mua sắm vũ khí thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ, lắp ráp vũ khí trên đất Ấn Độ. Nhưng khi mua sắm vũ khí Mỹ, họ lại chưa lần nào đưa ra yêu cầu chuyển giao công nghệ và lắp ráp thiết bị ngay tại quốc gia Nam Á này.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại